Áp lực của các CEO công ty chứng khoán

Áp lực của các CEO công ty chứng khoán

(ĐTCK) Sự “thay máu” đối với các lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực chứng khoán vẫn tiếp diễn và ngày càng nhanh hơn, nhiều hơn theo khó khăn chung của thị trường.

Lâu nay, ngành chứng khoán vẫn được xem là ngành có “tốc độ” luân chuyển cán bộ cao nhất, từ Tổng giám đốc (CEO) đến nhân viên. Sự “thay máu” đối với các lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực chứng khoán vẫn tiếp diễn và ngày càng nhanh hơn, nhiều hơn theo khó khăn chung của thị trường.

CTCK Bảo Minh (BMSC) vừa công bố quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Thanh Trí chỉ sau chưa đầy 3 tháng ông Trí giữ chức vụ CEO. Trước đó, CTCK FLC (FLCS) thông báo miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Phạm Đức Thắng kể từ ngày 19/8/2013… Sự “đến” và “đi” của những CEO trong ngành chứng khoán thường khá chóng vánh, nên không mấy ngạc nhiên khi có nhân sự trong 1 năm, đầu quân cho 3 CTCK.

Trên thực tế, CEO ngành chứng khoán có thể chia thành hai đối tượng: người “làm chủ” và người “làm thuê”. Với những CEO làm chủ thực sự, công ty đang quản lý là do tự mình gây dựng từ đầu, vì thế, không có sự thay đổi, nhưng với các CEO “làm thuê”, ngồi vào CTCK lúc này như ngồi trên “ghế nóng”.

Theo tìm hiểu của ĐTCK,  mức lương đối với các CEO chứng khoán đang dao động từ 35 triệu đến 80 triệu đồng, một số CEO kiêm nhiệm các vị trí thành viên HĐQT thì mức thu nhập cao hơn, có thể từ 80 đến 100 triệu đồng, cá biệt có thể cao hơn nữa tùy vào mức đãi ngộ của từng HĐQT CTCK hoặc dựa theo hiệu quả thực của DN.

 Kèm theo mức thu nhập là trách nhiệm điều hành và trách nhiệm pháp lý khi phải ký tên vào các văn bản, chứng từ hàng ngày tại công ty. Do vậy, khi mức thu nhập của các CEO không cân xứng với trách nhiệm cá nhân phải gánh vác, thì sự thay đổi sẽ xuất phát từ chính người lao động.

Bên cạnh đó, áp lực chỉ tiêu kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận, đè nặng lên vai CEO CTCK, nhất là khi TTCK không thuận lợi, cũng là một trong nhiều lý do khiến một số CEO phải nói lời chia tay.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho hay, những người đồng cấp với ông dễ rời bỏ công việc vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là TTCK khó khăn, các CEO thường rất mệt mỏi với sức ép của HĐQT về việc phải xóa khoản lỗ lũy kế từ những năm trước, thậm chí là phải có lãi, nên họ ra đi là để chuyển áp lực sang người khác - những người tham vọng và chưa thực sự hiểu nội tình DN, nội tình ngành.

Thực tế gần đây có hiện tượng, một số nhân sự đã rời vị trí CEO CTCK để chuyển sang làm công việc thấp hơn tại một CTCK khác và ngược lại, là phản ánh xu hướng này.

Cả Việt Nam có 100 CTCK, đồng nghĩa với việc có 100 CEO ngành này. Lựa chọn được các CEO phù hợp với nghề đã rất khó, trụ lại được ở vị trí CEO lâu dài, còn khó hơn nhiều. SSI là CTCK đầu ngành trên thị trường, nhưng Chủ tịch Công ty vẫn phải kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Người đứng đầu SSI từng muốn tìm một người khác làm CEO thay ông, nhưng chưa tìm được người phù hợp. Cơ hội luôn có, nhưng rất khắc nghiệt, thậm chí là ẩn chứa nhiều rủi ro, đó là những đặc trưng cơ bản của nghề CEO CTCK hiện nay.