Áp dụng T+2: “Tiền trao thì cháo phải múc“

Áp dụng T+2: “Tiền trao thì cháo phải múc“

(ĐTCK) Góp ý cho dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 về T+2, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, nhiều ý kiến đề nghị chính sách này khi ban hành và áp dụng cần khắc phục một bất cập lớn hiện tại là “tiền trao nhưng cháo chậm múc”.

Độ trễ lớn

Thực ra, cùng với rút ngắn thời gian giao dịch, rút ngắn thời gian thanh toán là vấn đề được các thành viên thị trường đề xuất lên cơ quan quản lý, vận hành thị trường từ nhiều năm nay.

Việc rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 hiện tại về T+2, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng rất cần sự nỗ lực từ cả cơ quan quản lý, vận hành thị trường, cũng như các thành viên khác, để có thể sớm triển khai.

Một khi giải pháp cải cách này được triển khai sớm, không chỉ giúp khắc phục hạn chế hiện tại là tình trạng chứng khoán và tiền không chuyển giao cùng thời điểm như thông lệ quốc tế, mà còn góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, giảm thiểu thiệt thòi cho NĐT.

Trong điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin cũng như năng lực quản trị rủi ro của nhiều thành viên còn nhiều khó khăn, bất cập, thì chuyện chấp nhận độ trễ trong hoạt động thanh toán là điều không khó hiểu. Tuy nhiên, đến tận ngày T+3 như hiện tại, NĐT mới nhận được tiền và chứng khoán thì đang có có độ “vênh” đáng kể so với thông lệ quốc tế. Những TTCK mới ra đời và có quy mô nhỏ bé như Lào và Campuchia cũng đã áp dụng chu kỳ thanh toán T+2.

Theo phản ánh của giới đầu tư, khi lệnh bán, mua chứng khoán được khớp thì chứng khoán và tiền trong tài khoản của họ bị trừ ngay tức thì. Thế nhưng, đến ngày T+3 họ mới nhận được tiền và chứng khoán để giao dịch. Điều này khiến NĐT bị mất cơ hội đầu tư, giảm tính thanh khoản của thị trường.

Việc duy trì cơ chế tiền và chứng khoán không được chuyển giao đồng thời trong nhiều năm qua cũng khiến NĐT nước ngoài có cái nhìn không tích cực về TTCK Việt Nam khi so sánh với các thị trường lân cận. Nếu Việt Nam không sớm khắc phục tình trạng “một mình một chợ” như hiện tại, thì đây sẽ là một trong những rào cản trong thu hút dòng vốn ngoại, nâng hạng thị trường.

Muốn giao dịch ngay trong ngày T+2

Theo dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán, từ 15h45-16h15 ngày T+2, ngân hàng thanh toán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thực hiện thanh toán tiền và chứng khoán.

Nếu thực hiện theo hướng này, nhiều thành viên thị trường cho rằng, không giúp ích nhiều cho NĐT, vì sáng ngày T+3 như hiện nay, họ mới được phép giao dịch. Như vậy thì hiệu ứng của việc rút ngắn thời gian thanh toán là không rõ ràng.

Bởi vậy, nhiều ý kiến đề xuất, UBCK, VSD cũng như các bên liên quan cần nỗ lực cải cách theo hướng muộn nhất là cuối giờ sáng ngày T+2, NĐT phải nhận đủ tiền và chứng khoán, để ngay trong ngày giao dịch T+2, NĐT có thể được giao dịch. Như thế thì ý nghĩa cải cách mới rõ ràng.

Để đạt được bước cải cách này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, đặc biệt là các CTCK trong việc cải tiến hệ thống quy trình, quy chế nội bộ, cũng như hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. 

Theo nhìn nhận của giới đầu tư, nếu giải pháp rút ngắn thời gian thanh toán về T+2 được áp dụng cùng với cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) như UBCK đang nỗ lực thúc đẩy triển khai, đây sẽ là một gói giải pháp cải tiến về kỹ thuật thanh toán và giao dịch quan trọng, qua đó giúp gia tăng sức hấp dẫn, cải thiện thanh khoản cho TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan