VIB là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành triển khai 3 trụ cột của Basel II.

VIB là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành triển khai 3 trụ cột của Basel II.

Áp chuẩn Basel II, còn nhiều thách thức với ngân hàng

(ĐTCK) Hiện đã có 18 ngân hàng tại Việt Nam được chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, một trong ba cấu phần quan trọng của Basel II, nhưng với cấu phần còn lại, cụ thể là Thông tư 13/2018/TT-NHNN, nhiệm vụ còn nhiều thách thức…

Basel II-những cột mốc pháp lý

Hiệp ước Basel là một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro được áp dụng tại hầu hết các ngân hàng trên thế giới từ nhiều năm qua.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Peter Verhoeven, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn tài chính 6 Sigma cho biết, một trong những lý do Hiệp ước Basel ra đời là để hạn chế sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tới “bộ mặt” của các ngân hàng.

“Ở Mỹ, số lượng ngân hàng biến mất do hoạt động không tốt hay phá sản là rất lớn. Trước đây, mỗi bang có một ngân hàng, nhưng bây giờ các ngân hàng đã buộc phải sáp nhập để tăng hiệu quả hoạt động”, ông Peter Verhoeven dẫn chứng.

Tại Việt Nam, định hướng triển khai thực hiện Basel II đã được xác định là một trong những trọng tâm của ngành ngân hàng tại Ðề án “Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua việc ban hành Quyết định 112/2006/QÐ-TTG.

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn 1601/NHNN-TTGSNH lựa chọn 10 ngân hàng trong nước (bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB) triển khai thí điểm Basel II, tiến tới áp dụng đối với tất cả các ngân hàng.

Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II, thể hiện tại Ðề án 1058, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Tại Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII và Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường chỉ đạo lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ðến năm 2020, các ngân hàng cơ bản phải có mức vốn tự có đáp ứng Basel II, trong đó có ít nhất từ 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công chuẩn mực này.

Cụ thể hóa Nghị quyết 05/NQ-TW và Nghị quyết 24/2016/QH14, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức 8% tổng tài sản có rủi ro theo chuẩn Basel II có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, ngân hàng nào có khả năng thực hiện sớm thì đăng ký áp dụng trước.

Tại Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh: “Ðến năm 2020, các ngân hàng triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu từ 12-15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo chuẩn Basel II”.

Tiếp đó, Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành bao hàm nhiều hoạt động như kiểm soát nội bộ, tuân thủ, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ, đặc biệt là có cấu phần đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP)… với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 (riêng quy định về đánh giá mức độ đủ vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).

“Với việc ban hành Thông tư 41/2016 và Thông tư 13/2018 của Ngân hàng Nhà nước, ba trụ cột của Basel II đã được áp dụng phù hợp với thị trường Việt Nam”, ông Grant Dennis, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định.

Không chỉ là tuân thủ

Quản trị công ty nói chung, quản trị ngân hàng nói riêng là rất cần thiết để xây dựng và duy trì sự tín nhiệm, lòng tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Sau khủng hoảng tín dụng toàn cầu, một khảo sát cho thấy, sự yếu kém trong quản trị rủi ro góp phần gây ra khủng hoảng tín dụng.

Và hầu hết các vấn đề này đã được quy định trong Thông tư 13/2018 với thông điệp chính là thúc đẩy một nền quản trị doanh nghiệp lành mạnh, giảm thiểu tối đa các xung đột lợi ích.

Ðể đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thông tư này, khái niệm “Hội đồng quản trị điều hành” có thể sẽ vẫn còn tồn tại, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ giảm đi nhiều và dần nhường chỗ cho khuôn khổ quản trị theo chuẩn mực quốc tế. 

“Ðã qua thời ‘ngân hàng của tôi, toàn quyền tôi quyết định’. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân, từng bộ phận, hội đồng quản trị, ban điều hành như thế nào đều được thể hiện rõ ràng trong quy trình, quy định, chính sách của ngân hàng để giúp ngân hàng hoạt động tốt hơn”, ông Peter Verhoeven nói.

Ông Grant Dennis nhận định, việc lượng hóa rủi ro qua khái niệm “tài sản có rủi ro” (Risk Weighted Assets - RWA) và đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP) vẫn là một nỗ lực lâu dài.

“Ðây chỉ là bước đầu tiên để xác định các thách thức và cơ hội của ngân hàng. Tìm ra những gì cần làm với chiến lược kinh doanh của mình nhằm tối ưu hóa vốn và chuẩn bị các giải pháp huy động vốn để đảm bảo đáp ứng không chỉ số vốn tối thiểu cần thiết, mà còn đạt được đủ vốn để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh, khẩu vị rủi ro, cũng như các mục tiêu chiến lược sẽ là các bước quan trọng tiếp theo”, ông Grant Dennis phân tích.

Ông Marcel Reymond, đại diện Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO), nơi đặt trụ sở của Ủy ban Basel cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng những thử thách vẫn ở phía trước.

Theo chuyên gia này, Việt Nam là nền kinh tế rất mở nên sẽ nhạy cảm hơn với biến động toàn cầu, cụ thể là xung đột thương mại Mỹ - Trung, Brexit tại Anh và suy thoái tại châu Âu.

Cho tới nay, các khoản nợ xấu vẫn là vấn đề đối với các ngân hàng Việt Nam và thị trường vốn chưa thực sự phát triển.

Ngành tài chính có thể là một trong những lĩnh vực đầu tiên ghi nhận sự tích cực trong “cuộc chiến” phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, áp lực thực hiện các tiêu chuẩn cốt lõi của Basel càng cấp bách hơn, bởi giải pháp này giúp cải thiện nền tảng của thị trường.

“Các ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng đó cũng là cơ hội. Sức khỏe ngành tài chính - ngân hàng là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng kinh tế lâu dài. Do vậy, ngoài việc tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ từ phía các cơ quan chức năng, thì sự sẵn sàng nhập cuộc của các ngân hàng cũng là động lực quan trọng để tiến tới thành công trong một thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay”, ông Marcel Reymond nhấn mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, VIB là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành triển khai 3 trụ cột của Basel II vào cuối tuần trước.

Ðược biết, trong năm 2018, VIB đã triển khai thành công trụ cột 1 (mức độ an toàn vốn tối thiểu) và trụ cột 3 (kỷ thuật thị trường) của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn sớm trước 1 năm so với thời hạn Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

VIB cũng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Năm 2019, VIB tiếp tục triển khai trụ cột 2, nội dung quan trọng của Basel II, nhằm hoàn thiện năng lực đánh giá nội bộ về mức đủ vốn trước thời hạn.

Ông Peter Verhoeven nhấn mạnh: “Việc áp dụng đầy đủ Hiệp ước Basel II ở Việt Nam sẽ tăng cường sức mạnh cho hệ thống ngân hàng Việt”.

Tin bài liên quan