Ảnh shutterstock

Áo dài, Huế và nét đẹp tháng 3

(ĐTCK) Tháng 3 này có ngày tôn vinh một nửa quan trọng của thế giới và chẳng có gì phù hợp hơn để bàn về tà áo dài, vốn từ lâu đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Thời học THPT, tà áo dài trắng tinh khôi của những nữ sinh khiến nhiều nam sinh, trong đó có tôi, mê mẩn. Tôi nhớ đến những ngày mưa, lũ nam sinh “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” đều cùng một ước nguyện với người nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn: “Em đi về cầu mưa ướt áo…”.

Đến cấp học đại học, đám sinh viên nam chúng tôi hụt hẫng khi các bạn sinh viên nữ đến lớp trong những bộ áo quần thời trang tân thời. Trẻ trung, quyến rũ, nhưng nó mất đi cái gì đó thùy mị, dịu dàng.

 Chiếc áo dài tạo cho người nữ ca sĩ Huế thêm sâu lắng trong những ca từ. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Một thầy giáo dạy tôi thời đại học từng nhìn nhận: Nếu mang áo dài, người phụ nữ sẽ trở nên xinh đẹp, dịu dàng hơn trong mắt người đàn ông. Nghe thầy kể về lịch sử chiếc áo dài Huế, tôi mới ngẫm ra nhiều điều.

Chiếc áo dài đã gắn bó với Huế từ rất lâu. Thời vua Minh Mạng, nhà vua đã ra sắc chỉ: Các phi tần, người hầu kẻ hạ đều mặc áo dài ngay khi vừa bước chân khỏi cấm cung. Với người lớn, áo dài trở thành trang phục bắt buộc khi ra đường.

Năm 1917, ngay tại kinh đô Huế phong kiến, trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng dưới sự hiện diện của vua Khải Định. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long… của Huế nhân dịp này bước ra khỏi chốn “màn che trướng rủ” và trở thành những cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng trong chiếc áo dài tím, đồng phục quy định của trường.

Cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế với chiếc áo tinh khôi như thưở nào. Ảnh chụp tại nhà Lục giác, đường Trịnh Công Sơn trong Festival Huế 2014.  Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Những chiếc áo dài này có cổ vuông ngắn, eo buông, tay dài, tà rộng che kín toàn thân. Bởi vậy, trong chiếc áo dài, các cô nữ sinh Đồng Khánh ai cũng buộc phải khép nép, chỉ có thể ngồi thẳng, bước ngắn, đánh nhẹ tay, khó có thể nói cười thoải mái.

Chính vì vậy, nhà thơ Mai Văn Hoan đã dành tặng cho nữ sinh Đồng Khánh những vần thơ đầy ngưỡng mộ:

Nữ sinh Đồng Khánh qua đò

Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi…

Gió vờn tà áo khẽ lay

Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười…

Nữ sinh Đồng Khánh nhớ ai

Mi cong khẽ chớp mắt nai thẫn thờ.

Còn trong dân gian vẫn lưu truyền câu truyền khẩu: “Học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành” để nói lên vẻ cuốn hút của những cô nữ sinh Đồng Khánh sâu lắng, dịu dàng trong tà áo dài tha thướt.

 Bà Tôn Nữ Thị Hà, chuyên gia về món ăn cung đình Huế vẫn chung thủy với chiếc áo dài tím. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Có thể nói rằng, chiếc áo dài đã tạo nên sự quý phái và e thẹn cho những cô gái xứ Huế. Chiếc áo dài còn tạo cho người con gái Huế thêm sâu lắng trong những ngữ từ.

Nhà thơ Lê Nhược Thủy đã viết một cách hình tượng “Em ơi giọng Huế có chi. Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa” chính là muốn nói đến giọng nói của những cô gái Huế khi ông bắt gặp trong tà áo dài duyên dáng.

Còn nhớ, tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002, 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã mạnh dạn sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế). Lễ hội Áo dài kỳ Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ, nhưng đã làm cho các du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những chiếc áo dài.

 Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Bởi vậy, cứ mỗi kỳ Festival về trên đất Cố đô, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vận động các chị em phụ nữ mặc áo dài khi đến công sở, nơi làm việc. Đặc biệt, có năm, nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng và Trường THPT Quốc Học đã mặc áo dài và đội nón đi học, còn các tiểu thương các chợ như Đông Ba, An Cựu… đã tự nguyện mặc áo dài trong suốt những ngày diễn ra Festival nhằm quảng bá hình ảnh tà áo dài Huế cũng như nét duyên của người phụ nữ Huế đến với du khách.

Bên cạnh đó, nữ nhân viên nhà hàng, khách sạn và lực lượng nữ tình nguyện viên cũng mặc áo dài để tạo ấn tượng đối với du khách khi đến Huế.

Mới đây, chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” diễn ra vào tối ngày 1/5/2018 tại sân khấu Bia Quốc Học với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách.

 Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Bà Nguyễn Lan Vy, Tổng đạo diễn chương trình đã chia sẻ: “Tôi may mắn là người Huế nên hiểu được văn hóa và con người Huế. Chúng tôi chọn chủ đề “Huế vàng son” với mong muốn đưa hình ảnh Huế sâu sắc và đậm nét về văn hóa đến với người xem, đặc biệt là du khách”.

Đặc biệt, với mong muốn đưa hình ảnh áo dài Huế có cơ hội trở lại thời vàng son, góp phần quan trọng nâng cao vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, làm cho Huế đẹp hơn trong mắt bạn bè và du khách, nhân ngày khai giảng năm học mới 5/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã có Thư ngỏ gửi các trường học đại học, cao đẳng, trung cấp và trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống.

Theo Thư ngỏ, bắt đầu từ tháng 9/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quy định toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện mặc trang phục áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai hàng tuần.

Bên cạnh đó, sẽ phát động và khuyến khích nữ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên mang trang phục áo dài truyền thống tối thiểu 2 - 3 ngày trong tuần (trong đó có ngày thứ Hai). Được biết trước đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cho giáo viên mặc trang phục áo dài khi lên lớp giảng dạy. Tại một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường trung học phổ thông cũng đã tổ chức cho nữ học sinh, sinh viên mang trang phục áo dài khi đi học từ 2 - 3 ngày trong tuần.

Bởi vậy, không những chiếc áo dài đã trở thành trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa, đời sống của đất Thần kinh, mà hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế, của du lịch Huế, quyến rũ biết bao lữ khách dạo qua. Do đó, để giữ gìn chiếc áo dài thì không nơi nào thích hợp hơn là ở Huế, vùng đất Cố đô với những o con gái dịu dàng, đằm thắm, sâu lắng đến lạ kỳ.

Tin bài liên quan