Anh và Liên minh châu Âu nối lại đàm phán thương mại hậu Brexit

0:00 / 0:00
0:00
EU mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10 nhưng có ba vấn đề quan trọng mà hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng kể từ khi đàm phán bắt đầu vào tháng Ba vừa qua.
Ông David Frost tới cuộc họp báo ở London, Anh, ngày 10/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ông David Frost tới cuộc họp báo ở London, Anh, ngày 10/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Các nguồn tin châu Âu cho biết ngày 7/10, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã nối lại các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit tại thủ đô London, Anh với hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này.

Các cuộc thảo luận dự kiến kéo dài đến ngày 9/10, thời điểm diễn ra cuộc thảo luận giữa Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost.

Cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận trong bối cảnh đàm phán bị đình trệ và thời gian đang cạn dần.

EU mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10, song có ba vấn đề quan trọng mà hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng kể từ khi đàm phán bắt đầu vào tháng Ba vừa qua, bao gồm các quy định hỗ trợ của nhà nước cho các công ty tư nhân, việc phân chia quyền đánh bắt cá và việc giảm sát thỏa thuận.

Trước đó, vào ngày 2/10, Anh và EU đã kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 9 và cũng là cuối cùng giữa hai bên.

Tuy nhiên sau bốn ngày đàm phán, lãnh đạo Anh và EU thừa nhận tiến trình đàm phán vẫn "chưa đạt đột phá" khi còn những bất đồng đáng kể trong vấn đề đánh bắt cá và chính sách trợ giá.

Trưởng đoàn đàm phán của EU và Anh cho rằng hai bên cần phải đạt được thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit trước hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến sẽ diễn ra vào 15/10 tới để có thể thông qua trước ngày 1/1/2021.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cảnh báo quan điểm hiện nay của Anh sẽ dẫn đến một cuộc thương lượng khó khăn và khó đạt được nhất trí về quyền đánh bắt cá.

Theo ông, đây là một rào cản lớn và Chính phủ Anh không nên đánh giá thấp quan điểm của các nước thành viên trong khu vực Đại Tây Dương.

Tin bài liên quan