1. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco là cái tên được nhắc nhiều nhất trong Lễ khởi động Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Ông không chỉ là một trong những doanh nhân Sao Đỏ đầu tiên, được vinh danh năm 1999, mà còn được các thế hệ Sao Đỏ coi như người anh cả.
“Tôi vẫn nhớ câu nói của anh Tiền trong buổi lễ hôm đó rằng, giờ không phải chỉ 2 vốn, 4 lời mà phải 8-10 lời. Tôi hiểu là cơ hội sẽ thực sự mở ra khi chúng tôi sáng tạo không ngừng”, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đã nói như vậy khi kể về động lực làm thay đổi đường hướng kinh doanh, cách thức kinh doanh của mình thời đó và cho đến bây giờ.
Năm đó, ông Tiền 40 tuổi, là người sáng lập và Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp. Thông tin được nhắc đến trong bản vinh danh doanh nhân này là trong vòng 3 ngày, Công ty đã nộp được 1 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, khi đó vốn là đất của các doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng không ai kể, để thành lập được Công ty vào năm 1993, ông đã mất 9 tháng ròng rã đi khắp các bộ, ngành, xin được 29 con dấu để trình và thuyết phục Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép công ty tư nhân được tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Thời đó, không nhiều người đủ kiên nhẫn để thực hiện giấc mơ kinh doanh.
Không thấy ông Tiền nhắc về những điều này. Ông thường nói về cơ hội mới mà công cuộc đổi mới, mở cửa của nền kinh tế đang mở ra, cho phép mọi người thử sức với những công việc mới, sáng tạo mới.
“Giới trẻ bây giờ hay kêu ca thể chế không ủng hộ, quy định rắc rối…, nhưng đó là điều cách đây 20-30 năm chúng tôi không dám mơ. Ngay cả Giải thưởng Sao Đỏ được ra đời, doanh nhân tư nhân vẫn bị coi là công dân hạng hai, làm gì cũng bị nhìn ngó, đi đâu cũng phải xin xỏ. Nhưng mệnh lệnh trong đầu là phải kiếm tiền để mua sữa cho con, không có đường lùi, đãi đất tìm vàng cũng phải làm. Mà đã trẻ thì mãnh liệt, khát vọng, dám chấp nhận rủi ro, dám làm khác biệt thì mới thành công”, ông Tiền nói.
Con đường dám đi, dám khác biệt của ông Tiền đã tạo nên không chỉ Geleximco mang đậm dấu ấn của người sáng lập, mà một hệ thống các thương hiệu Việt trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Cho tới nay, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, gồm sản xuất công nghiệp; tài chính - ngân hàng; bất động sản; thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Geleximco đã đầu tư nhiều dự án lớn, đã và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao như Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Nhà máy Sản xuất xi măng Thăng Long, Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa…
Nhiều dự án bất động sản mang thương hiệu Geleximco được thị trường chú ý ngay từ những ngày đầu xuất hiện như Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza…
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Geleximco đã đưa vào hoạt động sân golf Hilltop Valley Golf Club, được khách hàng đánh giá là một trong những sân golf có cảnh quan, địa hình đẹp nhất cả nước và có độ chinh phục cao. Hiện tại, Geleximco đang tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Hải Phòng, Lào Cai…
Ngoài ra, Geleximco còn là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...
2. Ông Tiền ít xuất hiện hơn ở các sự kiện, nhưng ít vắng mặt trong những cuộc gặp gỡ, chia sẻ của Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và lớp doanh nhân trẻ sau này. Ông là chủ tịch đầu tiên của Câu lạc bộ Sao Đỏ, đến nay có khoảng 97 thành viên. Ông kể, mọi người quyết định ngồi với nhau, cùng nhau đi đến các doanh nghiệp trẻ, để không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, mà nhân lên cảm hứng kinh doanh, thắp lửa tinh thần kinh doanh của các doanh nhân trẻ.
“Tôi không nghĩ các bạn trẻ có thể học được nhiều ở chúng tôi nữa, vì những khác biệt mang tính thời đại. Nhiều doanh nhân bây giờ hơn thời chúng tôi rất nhiều, có điều kiện làm được nhiều việc hơn, đi xa hơn. Nhưng chúng tôi muốn sự hỗ trợ, đoàn kết, tương thân tương ái sẽ không bao giờ thay đổi trong cộng đồng những người kinh doanh, nên chúng tôi vẫn đi, vẫn chia sẻ. Tôi cũng tự dặn mình phải thoát ra, không để cái bóng của mình bao trùm. Trong công việc, trong tổ chức của mình cũng vậy, thì mới thúc đẩy người mới, sáng tạo mới”, ông Tiền trải lòng.
Ông cũng rất tin vào thế hệ trẻ. Theo ông, trẻ bao giờ cũng năng động, táo bạo hơn. Thế hệ trẻ hiện có lợi thế là được trang bị các kiến thức mới. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa gặp rủi ro, chưa được thử thách, nhưng nếu các doanh nhân trẻ luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, thì khi gặp khó khăn, ông tin họ sẽ biết vượt qua và làm tốt hơn thế hệ đi trước.
“Chúng tôi chỉ mong truyền được ‘lửa’ nhiệt huyết, tinh thần, ý chí quyết tâm cho các bạn trẻ, như mình đã từng có trước đây”, ông nói.
Vì vậy, ông vẫn đi, vẫn kể cảm xúc không thể bút nào tả hết khi nhận chiếc cúp Sao Đỏ từ tay Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, để cảm thấy việc kinh doanh, làm giàu không phải chỉ là một nghề để sống, mà là cơ hội để được sáng tạo, được phục vụ và mang lại hạnh phục cho nhiều người…
Ông cũng không quên kể nỗi buồn khi chứng khiến các doanh nghiệp Việt như những củ khoai trong bao, cứ ra ngoài là mỗi anh mỗi hướng, nên yếu về lực, yếu cả tinh thần, cho dù môi trường kinh doanh thuận lợi nhiều lên, dự án nhiều hơn, các nhà đầu tư nước ngoài đến rầm rộ. Trong cuộc cạnh tranh này, nếu doanh nghiệp Việt không liên kết được, không ngồi được với nhau, thì không thể nói gì về giải pháp phát triển cho thương hiệu Việt, cho doanh nghiệp Việt.
“Muốn hỗ trợ, giúp đỡ nhau, phải đồng hành, phải đến với nhau. Có làm cụ thể mới biết năng lực của nhau, biết tâm huyết của nhau để có thể chia sẻ, nhân lên. Văn hóa hợp tác phải bắt đầu từ sự tin tưởng, uy tín từ các công việc hàng ngày”, ông Tiền lý giải những chuyến đi không hề ngắn của mình những năm qua.
3. Chưa bao giờ, ông Tiền thôi là doanh nhân trẻ. Nếu tính về tuổi, ông là thế hệ cha chú của lứa doanh nhân trẻ vừa được vinh danh, chủ yếu là thế hệ 8X, 9X, nhưng, nếu tính về nhiệt huyết, ông không hề thua người trẻ.
Sao Đỏ 2008 Đặng Hồng Anh, thuộc thế hệ 8X, giờ là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam còn nói, chưa bao giờ thấy các thế hệ Sao Đỏ đi trước giảm nhiệt. “Chỉ cần chúng tôi cần, các anh sẽ có mặt, luôn sẵn sàng”, ông Đặng Hồng Anh nói.
Đúng là khó có từ nào hợp với ông hơn, bởi những cảm xúc, sự phấn chấn, nhiệt huyết chưa bao giờ giảm trong những câu chuyện về kinh doanh, kể cả khi ông tâm tư về những điều chưa được của những doanh nhân Việt.
“Chúng tôi đã trải qua nhiều sóng gió, không lần nào giống lần nào, nên hiểu rằng, còn ý chí, còn khát vọng sẽ còn tất cả. Tôi cũng cảm nhận được rằng, trí tuệ, tư duy, chứ không phải là tài sản là thứ còn mãi”, ông Tiền nói.
Trong giai đoạn hiện tại, môi trường kinh doanh, thị trường trong nước và thế giới đang nhiều biến động khó lường. Chưa ai lường trước điều gì khi những ông lớn của thế giới vẫn đang trong các đòn cân não, nhưng cơ hội luôn có và chỉ dành cho những người dám làm.
Bài học về đồng tiền
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, ông Vũ Văn Tiền đã Nam tiến, đến khu vực Chợ Lớn để học hỏi cách kinh doanh. “Những người làm ăn nhỏ lẻ ở Chợ Lớn đã dạy tôi bài học đầu tiên về việc làm ra tiền, tiêu tiền và giữ tiền. Họ khuyên tôi đừng tham, đừng mong kiếm được nhiều tiền một lúc, mà phải kiếm từng đồng, như bỏ lọ, sẽ thấy giá trị của đồng tiền. Chỉ khi đó mới thực sự có tư duy để làm tiền và bảo vệ giá trị đồng tiền”, ông kể.
Đây cũng là điều ông Tiền muốn chia sẻ lại với các doanh nhân trẻ. Kiếm tiền có thể chậm vài tháng, vài năm, nhưng phải tìm ra con đường đi dài của đời mình. Danh hiệu chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn, sự bền vững trong kinh doanh càng mang tính chất tương đối, nếu không theo kịp sự phát triển của xã hội, đất nước; nếu tụt hậu về tư duy, ý chí..
“Tôi cũng đã thay đổi rất nhiều, nhất là trong suy nghĩ, tầm nhìn, tư duy, vì không thể áp đặt thời điểm lịch sử này vào thời điểm lịch sử khác”, ông Tiền cởi lòng.