Trung bình Anh phải đầu tư 5,5 triệu bảng cho một chiếc huy chương Olympic. Ảnh: Telegraph

Trung bình Anh phải đầu tư 5,5 triệu bảng cho một chiếc huy chương Olympic. Ảnh: Telegraph

Anh đầu tư 5,5 triệu bảng cho một huy chương Olympic

Lịch sử các kỳ thế vận hội gần đây đã cho thấy càng chi mạnh tay cho vận động viên trước Olympic, đoàn thể thao Anh càng gặt hái được nhiều huy chương.

Đội tuyển Olympic Anh đang giành được thành tích tốt nhất kể từ thế vận hội đầu tiên tổ chức tại London năm 1908. Một chiếc huy chương vàng năm nay chỉ có giá 640 USD, nhưng khoản tiền mà nước chủ nhà chi cho các vận động viên để tập luyện và giành được nó lại là một con số khổng lồ.

 

Tại Thế vận hội Atlanta năm 1996, đội Anh giành được tổng cộng 14 huy chương, trong đó chỉ có một huy chương vàng. Kỳ Olympic sau, Công ty xổ số quốc gia National Lottery lần đầu tiên trực tiếp đầu tư cho việc chuẩn bị của các vận động viên. Kết quả là tại Olympic Sydney 2000, Anh giành được tới 11 huy chương vàng trên tổng cộng 28 huy chương. Đây là lần đầu tiên họ có được trên 10 huy chương vàng kể từ Olympic Antwerp 1920.

 

Thế vận hội Athens 2004 cũng cho hiệu quả tương tự và tới Olympic Bắc Kinh 2008, đoàn Anh gặt hái được tới 19 huy chương vàng trong tổng số 47 huy chương. Giáo sư David Forrest – một nhà kinh tế học thể thao tại Đại học Salford cho biết: “Khi đến Bắc Kinh, vận động viên Anh được đầu tư 235 triệu bảng cho các chương trình tập luyện chuẩn bị cho Olympic. Con số này gấp gần 4 lần định mức cho Olympic Athens. Chính phủ Anh đã chi thêm 165 triệu bảng để giành 17 huy chương. Tức là mỗi huy chương đáng giá gần 10 triệu bảng”.

 

60% số tiền này do National Lottery bỏ ra và 40% còn lại là từ Bộ Tài chính. Những môn thể thao thành công hơn sẽ được đầu tư mạnh. Ở Bắc Kinh, các môn như điền kinh, đua xe đạp, rowing, đua thuyền và bơi lội chiếm tới 50% tổng số tiền đầu tư và đã giành được 36 trên tổng số 47 huy chương.

 

Năm 2012, kịch bản tương tự cũng đang diễn ra khi 5 môn này đã giành tới 27 trên 48 huy chương của đoàn thể thao Anh. Và cứ như vậy, những môn được đầu tư nhiều lại càng ngày càng thành công. Với số tiền đầu tư lên tới 264 triệu bảng, tính đến nay, trung bình mỗi chiếc huy chương của Anh đã tiêu tốn 5,5 triệu bảng.

 

Giáo sư Forrest cũng cho biết việc đầu tư này chỉ nước giàu mới áp dụng được. Có những môn mà những nước nghèo gần như không có khả năng tranh chấp huy chương nếu không chi mạnh tay, đó là đua thuyền, đua xe đạp, bơi lội và cưỡi ngựa. Ngược lại, đấu vật, judo, cử tạ và thể dục dụng cụ lại là thế mạnh của các quốc gia đang phát triển.

 

Theo giáo sư Stefan Szymanski từ Đại học Michigan, gần 15% số huy chương của tất cả các kỳ Olympic thuộc về nước Mỹ và 60% là về tay châu Âu. Đó đều là những nơi giàu có và mật độ dân số lớn. Giáo sư Forrest cũng bổ sung thêm: “Nếu bạn theo dõi giải đấu theo kiểu nước mình chơi tốt thế nào so với các nước khác, thì bạn đang nhầm! Vì thực tế, bảng thành tích được quyết định bởi việc nước đó giàu đến cỡ nào!”.