Hình ảnh nhành Anh Đào tươi thắm trước đỉnh núi Phú Sỹ hùng vĩ quanh năm tuyết phủ đã trở thành một biểu trưng nổi tiếng của xứ sở Phù Tang, làm đắm lòng biết bao nhiêu du khách tìm đến đây mỗi dịp Xuân về.
Tới Nhật Bản vào mùa hoa Anh Đào nở, chắc chắn sẽ không thiếu những dịch vụ đưa du khách thưởng lãm hoa và vãn cảnh Phú Sỹ. Nhưng sao lại không thử một cách để vừa có cả hai thú vui mà nhiều người mơ ước được hưởng một lần trong đời này, lại vừa được khám phá, tìm hiểu một mô hình sống độc đáo “đầu tiên trên thế giới” như một số báo chí nước ngoài bình luận?
Không phải lặn lội xa xôi, chỉ cần đáp một chuyến tàu từ ga Tokyo, xuôi về phía Tây Nam 51 km, dừng ở ga Fujisawa và “cất công” thêm 2 km nữa. Từ đây - khu đô thị thông minh và bền vững Fujisawa (Fujisawa SST) - đỉnh Phú Sỹ đã hiện ra sừng sững, cùng những bông Anh Đào chỉ còn cách một tầm với!
Với những ai ham tìm hiểu công nghệ xanh và những lối sống mới, Fujisawa SST bên bờ biển Shonan trù phú là nơi có thể mang đến những trải nghiệm thú vị cả về công nghệ và ý tưởng phát triển bền vững.
Thân thiện, thông minh, bền vững
Được thiết kế theo hình chiếc lá trên diện tích 19 ha từng là nhà máy sản xuất thiết bị điện gia dụng của Tập đoàn Panasonic, với trung tâm là khu sinh hoạt và dịch vụ cộng đồng Square, Fujisawa SST lấy mục tiêu chính là phát triển và quảng bá lối sống xanh, bền vững dựa vào cộng đồng. Vì thế, khách tham quan luôn được chào đón nồng hậu và được chia sẻ mọi thông tin cần biết.
Hình ảnh dễ thấy nhất thể hiện ý tưởng “mang năng lượng mới đến cuộc sống trong một khu đô thị thông minh” của các nhà tạo lập - một tổ hợp gồm 19 công ty Nhật Bản do Tập đoàn Panasonic đứng đầu - là những tấm năng lượng mặt trời phủ trên chiều dài 400 m mặt tiền khu đô thị và trên khắp các nóc nhà, đảm nhiệm việc cung cấp 30% nhu cầu điện năng của Fujisawa SST. Trên các con phố, các camera an ninh và hệ chiếu sáng công cộng bằng đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng bằng cảm biến thông minh đều được cấp điện từ nguồn này.
Để đạt mục tiêu cắt giảm được 70% lượng phát thải khí nhà kính của toàn khu đô thị so với mốc năm 1990, trong đó riêng lượng phát thải từ các căn biệt thự đạt mức gần bằng 0, việc kiểm soát năng lượng đóng vai trò cốt lõi. Mỗi nhà đều được trang bị hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà thông minh (HEMS) và hệ thống liên kết tạo - lưu năng lượng (ECLS) tối tân giúp chủ nhà kiểm soát mức tiêu thụ điện năng của từng thiết bị điện chỉ bằng một chiếc TV hoặc một chiếc điện thoại thông minh. Các hệ thống này còn có nhiệm cung cấp báo cáo khuyến nghị sinh thái hàng tháng nhằm tư vấn cho chủ nhà cách điều chỉnh cấu trúc tiêu thụ điện năng tối ưu và tính toán lượng điện năng không sử dụng hết từ các tấm năng lượng mặt trời của ngôi nhà (tổng công suất 4,8 kW) để bán lại cho mạng lưới chung nếu cần thiết.
Bên trong mỗi căn nhà còn được trang bị một pin lithium lớn có công suất 4,65 kWh. Cùng với hệ thống cấp điện mặt trời từ mái, bộ pin này sẽ đặc biệt hữu hiệu đối với cư dân trong những tình huống khẩn cấp tương tự như vụ mất điện trên diện rộng tại Nhật Bản sau thảm họa sóng thần năm 2011.
Việc trang bị hệ thống lọc không khí thông minh giúp thúc đẩy lưu thông và làm sạch khí trời một cách tự nhiên và sử dụng loại gạch ốp đặc biệt ở mặt ngoài tòa nhà có khả năng kháng bụi bẩn, tia tử ngoại và thậm chí có khả năng phân tách các thành phần ô nhiễm trong không khí cũng giúp giảm đáng kể sự lệ thuộc vào các máy điều hòa không khí, góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Dạo qua bãi xe công cộng, điều gây ấn tượng không chỉ là sự độc tôn của những nhãn hiệu xe hơi chạy điện như BMW i3, Nissan Leaf, Tesla, Toyota Prius và rất nhiều xe điện hai bánh. Đặc biệt hơn, đó lại không phải các xe tư nhân. “Dùng chung xe” là khái niệm chỉ có ở Fujisawa SST, theo đó, cư dân được sử dụng xe hơi điện miễn phí trong 6 tiếng đầu rồi mới phải trả tiền thuê, còn xe hai bánh hoàn toàn là “của chùa”, chỉ tính phí đối với khách tham quan. Muốn biết xe nào đang rỗi, cư dân chỉ cần liếc vào mấy cái màn hình ở nhà là có thể lựa chọn.
Ông Tomohiko Miyahara, Chủ tịch Công ty Quản lý Fujisawa SST khoe: “Với việc dùng chung và các dịch vụ thuê xe điện này, cư dân không cần có xe riêng nữa, nhờ đó tiết kiệm được chi phí, góp phần bảo vệ môi trường, giảm ách tắc giao thông và trải nghiệm lối sống bền vững”.
Vào tháng 9/2013, Fujisawa SST đã được Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản chứng nhận là “Hình mẫu về giảm phát thải CO2 trong các tòa nhà”, mặc dù dự án này mới chỉ khai trương chính thức ngày 27/11/2014 nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của người sáng lập Tập đoàn Panasonic, ông Konosuke Matsushita.
Lúc sinh thời, ông Matsushita đã dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho sự phát triển của xã hội và cuộc sống hạnh phúc của người dân. Giờ đây, sự nghiệp của ông tiếp tục được phản ánh phần nào qua những gì mà những người kế tục ông đang theo đuổi tại Fujisawa SST. Các nhà tạo lập hãnh diện tuyên bố rằng, điều làm nên sự khác biệt của mô hình Fujisawa SST là “tạo ra một lối sống cộng đồng thông minh dựa trên nền tảng sự thoải mái của cư dân, đặc thù địa phương và mô hình sống trong tương lai”. Quá trình phát triển đô thị này luôn bám sát nhu cầu và lối sống riêng của cư dân nơi đây chứ không phải đặt công nghệ lên trên hết như thường thấy ở các đô thị thông minh trên thế giới.
Nguyên tắc phát huy giá trị cộng đồng được thể hiện rõ nét nhất tại hai khu vực công cộng có tên Square Center và Shonan T-Site, được coi là điểm nhấn văn hóa của khu dân cư này. Square Center là nơi cư dân Fujisawa SST tiếp đón khách tham quan, cùng thảo luận các ý tưởng phát triển khu đô thị trong tương lai, chia sẻ thông tin cộng đồng, thưởng thức văn hóa ẩm thực… Trong trường hợp đặc biệt như có động đất mạnh, đây có thể biến thành nơi trú ẩn an toàn cho mọi người. Thông tin từ Square Center còn được kết nối trực tiếp đến TV của từng nhà để các gia đình luôn có thể cập nhật.
Ở Shonan T-Site, với 12.000 đầu tạp chí và 130.000 đầu sách, các nhà tạo lập kỳ vọng “sẽ cung cấp nhiều dịch vụ không có trên Internet hơn bất cứ nơi đâu” và đây sẽ là “nơi mà mọi gia đình có trẻ em đều muốn đến và là nơi ươm mầm cho những lối sống mới”.
Trong thông báo của mình, Panasonic nhấn mạnh: “Mô hình Fujisawa SST là một chương trình phát triển đô thị có tính cách mạng, mang năng lượng đến cho cuộc sống, giải quyết các vấn đề năng lượng tái tạo, an ninh, giao thông, dịch vụ cộng đồng và chăm sóc sức khỏe để nâng cao chất lượng sống. Fujisawa SST mang thông điệp của chúng tôi tới mọi người và toàn thế giới rằng các vấn đề này có thể giải quyết được”.
Ông Masahiro Ido, thành viên Ban giám đốc Tập đoàn Panasonic phụ trách giải pháp kinh doanh, cho biết, Fujisawa SST được thiết kế cho tiến trình phát triển trong 100 năm, tương đương với 3 thế hệ trong gia đình. “Fujisawa là một đô thị bền vững, nơi mà lối sống sinh thái và thông minh sẽ tiếp tục phát triển rực rỡ”.
Sẽ mang “Anh Đào xanh” ra thế giới
Nếu những bông Anh Đào tươi thắm được coi là một biểu tượng của vẻ đẹp Nhật Bản, thì mô hình Fujisawa SST được kỳ vọng cũng sẽ trở thành một biểu tượng của lối sống xanh bền vững đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại đất nước này. Bằng tất cả năng lực của mình - từ việc cung cấp các công nghệ quản lý năng lượng tối tân, thiết bị năng lượng mặt trời, hệ thống thông gió cho tới công nghệ và vật liệu xây dựng mới - Panasonic muốn đưa ra thông điệp rằng, việc xây dựng một “môi trường lý tưởng” cho người dân là khả thi không chỉ ở Nhật Bản.
Trên thực tế, những “bông Anh Đào xanh” như Fujisawa SST lại không hề đắt đỏ như cảm nghĩ thường có về giá bất động sản tại Nhật Bản, nhất là đối với giá nhà tại khu đô thị thông minh này. Ông Hiroyuki Morita, phụ trách quảng bá Fujisawa SST cho biết, một căn biệt thự song lập có diện tích 120-150m2 ở đây có giá khoảng 50-60 triệu yen (8,9-10,6 tỷ đồng) nếu chỉ có các trang bị cơ bản gồm các tấm năng lượng mặt trời trên mái, pin lithium và một TV thông minh 55”. Nếu trang bị đầy đủ các hệ thống quản lý năng lượng và thiết bị thông minh, giá sẽ tăng thêm 10%. Ngoài ra, hàng tháng mỗi nhà sẽ phải trả thêm 12.000 yen (2,13 triệu đồng) phí quản lý.
Ông Morita cho biết, các mức giá này gần như tương đương với các căn nhà “không thông minh” có diện tích tương tự bên ngoài khu đô thị này.
Còn ông Ido cho biết, từ mô hình Fujisawa SST, Tập đoàn Panasonic sẽ tích cực phát triển thêm nhiều dự án đô thị thông minh tại Nhật Bản và ở nước ngoài. Riêng ở Nhật Bản, Panasonic có lợi thế là có sẵn nhiều mặt bằng nhà máy cũ có thể chuyển đổi thành khu đô thị tương tự Fujisawa SST.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại Tokyo, Giám đốc kinh doanh tại nước ngoài của PanaHome Corporation, ông Nobuo Takahashi tiết lộ, công ty này đang đàm phán với một số đối tác tại Hà Nội và Hải Phòng về các dự án phát triển đô thị thông minh. Năm 2015, PanaHome Corporation sẽ đẩy mạnh kinh doanh tại một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Hy vọng trong tương lai không xa, nhiều cư dân Việt Nam sẽ được hưởng thụ những bông “Anh Đào xanh” này.