Với sự hợp tác của Sở GDCK Hà Nội, Cuộc bình chọn BCTN đã trở thành sự kiện nổi bật trên toàn TTCK Việt Nam kể từ năm 2009

Với sự hợp tác của Sở GDCK Hà Nội, Cuộc bình chọn BCTN đã trở thành sự kiện nổi bật trên toàn TTCK Việt Nam kể từ năm 2009

Ấn tượng BCTN nhìn từ vòng chung kết 2011

(ĐTCK-online) Điểm ấn tượng đầu tiên của Cuộc bình chọn BCTN năm nay là số lượng báo cáo lọt vào vòng chung khảo tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Làm việc với số lượng lớn báo cáo như vậy đã gây áp lực không nhỏ trong việc chấm điểm và lựa chọn đối với các thành viên Hội đồng bình chọn. Tuy nhiên, thực lòng, chúng tôi vẫn mong sẽ có nhiều áp lực hơn thế trong các năm tiếp theo, kể cả về số lượng và chất lượng.

Về nội dung BCTN vòng chung kết năm nay, có hai điểm tôi muốn đề cập và trao đổi thêm với các DN như sau:

Thứ nhất, về phần trình bày về DN và quản trị công ty. Nhiều báo cáo có phần giới thiệu về DN tương đối đầy đủ, ngắn gọn và thuyết phục. Thông tin về các cổ đông chủ chốt như lý lịch, giao dịch, tỷ lệ sở hữu cá nhân và những người có liên quan, cùng với các thống kê số liệu cổ đông được thể hiện đầy đủ, chi tiết. Một trong những nội dung quan trọng như hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát (BKS) cũng đã được nhiều công ty chú ý đưa vào báo cáo hơn so với năm ngoái. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các thông tin này phần lớn mới chỉ dừng ở mức độ "vừa phải" khi chỉ đề cập đến chức năng nhiệm vụ của HĐQT, BKS, tổng kết các cuộc họp, mà còn thiếu những nội dung quan trọng như kết quả giám sát đối với ban điều hành, thành viên HĐQT, đánh giá sự phối hợp hoạt động giữa BKS với HĐQT, ban giám đốc và cổ đông, kế hoạch tăng cường quản trị công ty... Tại các báo cáo, nội dung về hoạt động BKS thường được ít được trình bày đầy đủ như nội dung báo cáo của HĐQT - thể hiện phần nào vai trò mờ nhạt của BKS trong cơ cấu quản trị công ty. Vấn đề lương, thưởng, thù lao, các khoản lợi ích khác của ban điều hành, HĐQT, BKS thường bị các công ty bỏ qua và nếu có thì cũng chỉ công bố tổng số tiền thù lao hàng tháng, mà không công bố cụ thể về các khoản lợi ích cũng như các chính sách khuyến khích, đãi ngộ… của từng thành viên.

Nhìn chung, xu hướng tăng cường "minh bạch hóa thông tin DN niêm yết" đã được thể hiện tương đối rõ, mức độ thông tin đưa ra ngày càng sâu sắc và có trách nhiệm hơn đối với công chúng đầu tư là điều tôi cảm nhận được khi tham gia chấm giải năm nay. Tất nhiên, để hoàn thiện BCTN với chất lượng cao không phải là công việc một sớm một chiều, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực trong nhận thức và quan điểm DN muốn công khai, minh bạch càng nhiều càng tốt, hoặc nhiều khi nó phụ thuộc vào điều kiện thị trường, điều kiện tài chính của đơn vị lập báo cáo… Vì vậy, việc chấm BCTN hàng năm là công việc rất có ý nghĩa khi bên cạnh việc vinh danh các công ty có báo cáo chất lượng tốt, chúng ta sẽ nhìn nhận rõ hơn những "khoảng trống" trong hoạt động công bố thông tin của DN. Từ đó, cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm để có thể phát triển BCTN như một "kênh" quan trọng kết nối DN với công chúng đầu tư, đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình xây dựng thị trường vốn công khai, minh bạch, công bằng tại Việt Nam.

Ấn tượng BCTN nhìn từ vòng chung kết 2011 ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX, Thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 2011

Thứ hai, về các hoạt động đối ngoại với nhà đầu tư. Trong số 90 báo cáo, chỉ có 26 báo cáo (chiếm 28,8%) viết về nội dung này với các hoạt động chính như xây dựng website, tổ chức hội thảo giới thiệu DN... Qua đây có thể thấy, hoạt động chăm sóc mối quan hệ giữa DN và nhà đầu tư vẫn còn bị bỏ ngỏ ở nhiều công ty niêm yết hiện nay.