Thưa bà, hiện tại, các NĐT đang khá lo ngại về tính an toàn của tiền gửi tại các CTCK. Vì sao việc quản lý tách bạch tiền gửi của NĐT đến nay vẫn chưa thực hiện được?
Trước hết, phải khẳng định, chủ trương quản lý tách bạch tiền gửi của khách hàng tại CTCK là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, quy định này có tính khả thi chưa cao bởi một số lý do. Về công nghệ, không nhiều CTCK đủ sức xây dựng được hệ thống công nghệ lõi đủ mạnh để kết nối với ngân hàng phục vụ việc đối chiếu, thanh toán online. Tốc độ xử lý lệnh tại Sở giao dịch là 1/1.000 giây cho một lệnh. Trong khi để đặt lệnh mua - bán đối với các tài khoản của nhà đầu tư mở tại ngân hàng, các CTCK phải thực hiện thêm lệnh xác thực, kiểm tra số dư tài khoản trước khi chuyển lệnh vào Sở giao dịch. Việc này ảnh hưởng đến tốc độ và sự ổn định của quá trình đặt lệnh. Về phía ngân hàng, họ khó có thể tùy tiện chấp nhận cho một CTCK bên ngoài kết nối để đối chiếu trực tuyến số dư tiền của khách hàng khi đặt lệnh và thanh toán giao dịch. Điều này xuất phát từ vấn đề bảo mật, an toàn hệ thống. Vì thế, đa phần các CTCK hiện nay vẫn quản lý tiền gửi của NĐT theo tài khoản tổng: CTCK mở một tài khoản tiền gửi và quản lý chung cho tất cả các khách hàng.
Như vậy thì việc quản lý tách bạch tài khoản của khách hàng tại ngân hàng là không thể thực hiện được?
Việc kết nối với tài khoản của nhà đầu tư tại một ngân hàng thương mại là khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Từ năm 2009, thực hiện theo chủ trương của UBCK, VCSC đã kết nối trực tiếp với hai ngân hàng thanh toán là BIDV và Vietcombank. Tài khoản của khách hàng được quản lý theo tiêu chuẩn của ngân hàng. Ngân hàng sẽ chỉ chấp thuận các lệnh thanh toán trên các tài khoản này liên quan đến các giao dịch chứng khoán.
Có ý kiến cho rằng, việc các CTCK không muốn tách bạch tiền gửi của khách hàng còn xuất phát từ việc CTCK đối mặt với rủi ro khi không có quyền siết nợ trên tài khoản của khách hàng. Bà nghĩ sao?
Về nguyên tắc, trước khi thực hiện bất kỳ khoản cho vay nào, các chủ thể tham gia trong thỏa thuận này phải thống nhất về các điều kiện cho vay, hỗ trợ tài chính và các hình thức đảm bảo cho khoản vay đó. Đối với các tài khoản kết nối tại ngân hàng, CTCK hoàn toàn có quyền siết nợ trên tài khoản này. Vấn đề ở đây là trước khi thực hiện nghiệp vụ này, các bên liên quan đã lường hết được các rủi ro có thể phát sinh và biện pháp xử lý trong hoàn cảnh đó như thế nào chưa? Chủ thể đi vay, chủ thể cho vay và bên liên quan (ngân hàng nơi quản lý tài khoản) phải có thỏa thuận và thống nhất các quy trình trước khi triển khai bất kỳ nghiệp vụ nào liên quan đến tài khoản của khách hàng.
Hơn nữa, thực tế không phải CTCK nào cũng chú trọng cung cấp đòn bẩy tài chính nên rủi ro từ hoạt động này không phải là một vấn đề lớn. VCSC là một ví dụ. Chúng tôi luôn khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền vay trong đầu tư chứng khoán.
Sự thận trọng này có khiến VCSC tụt lại phía sau trong cuộc đua mở rộng môi giới?
Khách hàng tại VCSC được chia làm các nhóm rõ rệt: nhóm “lướt sóng” ưa thích sử dụng đòn bẩy và nhóm thận trọng ưa thích giao dịch bằng “tiền thật”. Mỗi nhóm khách hàng có một phong cách giao dịch riêng. Việc cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính chỉ thu hút được nhóm khách hàng thứ nhất.
Một CTCK hiện đại phải tạo ra các tiện ích tối đa cho khách hàng: công nghệ và tiện ích giao dịch, chất lượng tư vấn. VCSC đang sử dụng hệ thống giao dịch và công nghệ lõi của Tong Yang, một trong những phần mềm giao dịch chứng khoán hiện đại nhất. Hệ thống có khả năng xử lý lên tới 1.500 giao dịch đồng thời, được tích hợp nhiều tính năng hiện đại. Mặt khác VCSC cũng đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đường truyền ở mức tối đa, điều này giúp cho tốc độ truy cập hệ thống, xử lý và chuyển lệnh vào các sàn nhanh nhất hiện nay. Với sự đầu tư này, năm 2011, VCSC là một trong hai CTCK đầu tiên được cấp phép giao dịch ký quỹ và nằm trong Top 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất tại HOSE quý III/2011.
Nợ xấu đang là vấn đề “khó nói” của các CTCK nói chung. Bà có bình luận gì về chủ đề này?
Nợ khó đòi của các CTCK phần lớn liên quan đến hoạt động tài trợ đòn bẩy cho giao dịch của khánh hàng. Về nguyên tắc, nợ xấu chứng khoán hình thành từ sự quản lý lỏng lẻo: CTCK coi nhẹ hoặc không quản lý rủi ro khi cung cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng.
Tại VCSC, chúng tôi không vướng phải vấn đề này khi đã xây dựng hệ thống quản lý margin hiệu quả. Chúng tôi không cho khách hàng vay quá giới hạn và trong số ít trường hợp phát sinh ngoài ý muốn, VCSC xử lý theo quy định.