Ông Back Jong Kook, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam cho biết, Dream Plus là dự án từng thành công ở Hàn Quốc và sau đó phát triển tại Nhật Bản, Mỹ và giờ đây là Việt Nam.
"Dream Plus là thử thách mới trong việc chuyển hướng kinh doanh của Hanwha Life Việt Nam để hướng tới việc xây dựng đội ngũ tư vấn tài chính toàn thời gian chuyên nghiệp”, ông Back Jong Kook nhấn mạnh.
Được biết, trong thời gian tới, ngoài Dream Plus, Hanwha Life Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu thử nghiệm các mô hình tư vấn hiện đại đang thành công ở Hàn Quốc để áp dụng tại Việt Nam nhằm tạo sự khác biệt.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Manulife Việt Nam đã tuyển dụng kênh đại lý (Agency) toàn thời gian từ những năm trước và hiện bắt đầu ghi nhận sự hiệu quả của kênh này. Tương tự, AIA Việt Nam và
Prudential Việt Nam cũng đã tuyển dụng được khoảng 1.000 đại lý toàn hiểm toàn thời gian.
Chất lượng đại lý đang là vấn đề cấp thiết cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Do đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã thay đổi chiến lược hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hình ảnh người đại diện của mình khi giao dịch với khách hàng và việc tuyển dụng, đào tạo đại lý toàn thời gian chính là để phục vụ mục tiêu này.
Tuy vậy, hiệu quả kinh doanh của mô hình đại lý toàn thời gian vẫn còn là ẩn số, bởi không phải đã thành công ở thị trường nước ngoài thì cũng sẽ thành công khi áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp phải vừa làm, vừa chỉnh sửa sao cho phù hợp với một thị trường bảo hiểm đang phát triển như thị trường Việt Nam. Đó là chưa kể tới sự tác động của yếu tố bí mật kinh doanh.
“Theo tìm hiểu của tôi, hiện chưa có công ty nào trên thị trường thực sự thành công như kỳ vọng trong việc tuyển dụng và đạo tạo lực lượng đại lý toàn thời gian, cũng chưa có đơn vị tư vấn toàn thời gian nào tạo được đóng góp lớn về doanh thu cho công ty. Một phần nguyên nhân có lẽ xuất phát từ tiêu chí tuyển chọn đại lý", đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ đại lý toàn thời gian với kỳ vọng nâng cao chất lượng tư vấn và “thay đổi nhìn nhận của người dân, khách hàng về nghề tư vấn bảo hiểm” về lý thuyết là đúng đắn, song không phải là bài toán dễ giải, đặc biệt là khi cạnh tranh nhân sự tư vấn bảo hiểm tại Việt Nam luôn trong tình trạng gay gắt khiến các doanh nghiệp không còn nhiều lựa chọn.
“5 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2018, nhưng kênh chủ lực là đại lý đã giảm từ 7-20%. Thị trường đang ghi nhận những thay đổi nhất định, việc tuyển dụng đại lý cũng không còn dễ dàng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được nhìn nhận là đã qua giai đoạn tăng "nóng" và đến thời kỳ chỉnh sửa chính sách. Thực tế, khi đang tăng trưởng cao, doanh nghiệp dễ bỏ qua các sai sót, không chú trọng chiều sâu tuyển dụng đại lý, cũng như chất lượng các hợp đồng bảo hiểm . Đến khi hết lượng khách hàng "dễ tính", chỉ còn lượng khách khó khai thác, mà chất lượng đội ngũ tư vấn, bán hàng không đủ tốt thì doanh thu giảm mạnh là chuyện tất yếu.
CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu ví von rằng, việc tuyển dụng và phát triển đại lý cũng giống như câu chuyện cưỡi ngựa. Nếu muốn ngựa chạy nước đại thì mình phải thúc thật nhiều, nhưng chạy nhanh thì cũng sẽ mệt nhanh. Lúc này, cần phải chạy chậm lại, nếu mình vẫn tiếp tục thúc thì con ngựa sẽ chết và không thể về đích. Chính vì thế, không còn cách nào khác là phải thay đổi từ gốc là khâu tuyển dụng và đào tạo…
“Ở thị trường mới phát triển, việc tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi thị trường đã đi vào ổn định, chiến lược tuyển dụng cần phải thay đổi. Chúng tôi đã nhận ra vấn đề này và bắt đầu xây dựng chiến lược tuyển dụng từ nhiều năm trước”, vị CEO này nói.