Ẩn số nguồn cung trên thị trường trái phiếu

Ẩn số nguồn cung trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Kho bạc Nhà nước vừa có kế hoạch tăng lượng vốn huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) thêm 20.000 tỷ đồng, cùng với một số diễn biến khác cho thấy, nỗ lực tăng cầu cho nền kinh tế đang được “làm nóng”.

Chưa vượt bội chi

Tổng cầu đầu tư của nền kinh tế được đảm bảo bởi hai yếu tố chính: đầu tư từ Nhà nước và từ khu vực DN. Trong bối cảnh tín dụng bị tắc nghẽn, kinh tế vĩ mô khó khăn, đầu tư từ khu vực DN bị ngưng trệ, tổng cầu đầu tư của nền kinh tế rơi vào trạng thái yếu như hiện tại là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh trên, theo một chuyên gia Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam , để cải thiện tổng cầu, đảm bảo ổn định vĩ mô, đòi hỏi khu vực Nhà nước phải đẩy mạnh đầu tư để bù đắp phần “hụt” cầu do khu vực DN tạo ra. Nói cách khác, khi khu vực DN giảm các hoạt động đầu tư, Nhà nước buộc phải đẩy mạnh đầu tư, thì mới phần nào cân bằng được tổng cầu đầu tư của nền kinh tế.

Với cách nhìn như vậy, việc Kho bạc Nhà nước vừa có kế hoạch tăng lượng vốn huy động qua kênh TPCP từ 150.000 lên 170.000 tỷ đồng trong năm nay là tín hiệu cho thấy, Nhà nước đang nỗ lực cải thiện sức cầu cho nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là việc tăng lượng vốn huy động này, có vượt mức bội chi ngân sách nhà nước năm nay là 4,8%; với lượng phát hành tăng thêm, khả năng hấp thụ của thị trường ra sao?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, cho biết, Kho bạc Nhà nước nâng lượng vốn huy động qua TPCP thêm 20.000 tỷ đồng vẫn nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước mà Quốc hội đã phê duyệt cho năm nay. Trong trường hợp huy động vượt quá hạn mức bội chi này, thì phải được Quốc hội phê duyệt. Kế hoạch tăng lượng phát hành TPCP được cân nhắc kỹ lưỡng, cả trên khía cạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn TPCP, lẫn khả năng hấp thụ của thị trường, để đảm bảo huy động vốn thành công.

Bà Hiền cho biết thêm, việc phát hành TPCP đang diễn ra thuận lợi, bởi diễn biến thị trường gần đây cho thấy, lãi suất có tín hiệu tiếp tục giảm, cầu tín phiếu Kho bạc Nhà nước vẫn tốt. Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang khá tốt, một khi tín dụng vẫn chậm được đưa vào nền kinh tế như hiện tại, thì kế hoạch huy động vốn qua kênh TPCP sẽ tiếp tục thuận lợi.

Tuy Bộ Tài chính đã có nỗ lực cải thiện thanh khoản cho thị trường, cũng như áp dụng quy định: các thành viên thị trường phải có nghĩa vụ chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn một khối lượng trái phiếu nhất định, nhưng rõ ràng trong bối cảnh các nhà đầu tư lớn, chủ chốt trên thị trường vẫn chủ yếu là các ngân hàng thương mại, thì khi nền kinh tế và DN hồi sinh, tín dụng chảy mạnh ra nền kinh tế, không có gì đảm bảo sức cầu của thị trường trái phiếu sẽ không bị sụt giảm.

 

3 ẩn số nguồn cung

Đến thời điểm này, có ít nhất 3 ẩn số về nguồn cung cho thị trường. Đầu tiên, tuy điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP năm nay lên 170.000 tỷ đồng, nhưng theo Kho bạc Nhà nước, đây vẫn chỉ là lượng trái phiếu dự kiến phát hành. Do vậy, tùy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cũng như sức cầu từ thị trường và trần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, mà có thể lượng phát hành không chỉ dừng lại ở 170.000 tỷ đồng.

Một ẩn số nữa về nguồn cung, là liên quan đến đề xuất chuyển phương án phát hành khoảng gần 58.000 tỷ đồng trái phiếu DN được Chính phủ bảo lãnh sang phát hành TPCP. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, năm ngoái, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép phát hành khoảng gần 58.000 tỷ đồng trái phiếu DN được Chính phủ bảo lãnh để xây dựng Quốc lộ 1A. Hơn một năm qua, Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị các công việc để triển khai kế hoạch này. Tuy nhiên, thời điểm này, DN rất khó khăn, hơn nữa, khi tính toán cụ thể chi phí phát hành, thì sẽ khiến chi phí làm đường rất cao. Để khắc phục tình trạng này, tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ vừa thống nhất trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành TPCP, thay vì trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ như kế hoạch ban đầu…

Một ẩn số khác về nguồn cung là ngoài Kho bạc Nhà nước, liệu sắp tới Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng chính sách xã hội, có điều chỉnh tăng lượng trái phiếu phát hành trong năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đầu từ từ ngân sách như thực tiễn đang đặt ra? ĐTCK sẽ tiếp tục tiềm hiểu và thông tin đến bạn đọc.