Điều này, trên thực tế đã được cảnh báo ngay từ cuối năm trước, bất chấp lạm phát năm 2015 chỉ dừng ở mức rất thấp - 0,6% nếu so với tháng 12/2014 và 0,63% nếu tính bình quân. Lý do là những diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể tạo sức ép lên tỷ giá và tác động tới giá cả hàng hóa, đồng thời năm 2016, Việt Nam tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu…
Tính trong 10 năm gần đây, ngoại trừ năm ngoái là năm có tốc độ lạm phát rất thấp (0,6%), CPI tháng 1 giảm 0,2%, còn lại tất cả các tháng 1 đều có mức tăng khá cao. Chẳng hạn 2008 - năm mà lạm phát Việt Nam ở mức đỉnh điểm, CPI tháng 1/2018 tăng 2,38% so với tháng trước. CPI tháng 1/2011 tăng 1,74%, còn tháng 1/2013 tăng 1,25%.
"Lạm phát năm 2016 có thể vẫn chỉ xoay quanh ngưỡng 4-5%, nhưng vẫn không thể lơ là với những diễn biến bất thường".
Trong khi đó, việc CPI tháng 1/2016 dậm chân tại chỗ so với tháng trước, bất chấp đó là tháng có Tết Dương lịch và đang chuẩn bị Tết Âm lịch là diễn biến bất thường so với thông lệ, song lại là dễ hiểu trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức thấp trong 2 năm qua và trong bối cảnh giá dầu tiếp tục lao dốc, kéo theo sự giảm giá của nhiều mặt hàng khác.
Đây là dấu hiệu cho thấy, lạm phát trong những tháng tới sẽ không căng thẳng. Mặc dù vậy, một báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cho rằng, lạm phát có thể đứng trước những biến động mạnh hơn trong năm 2016.
Đó là do giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã ở mức thấp kỷ lục và có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ. Thêm vào đó, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm 2016. Cho dù quyền số của nhóm hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giảm giai đoạn 2016-2020, song việc giá lương thực tăng vẫn có thể tác động tới CPI bởi nhóm này vẫn giữ tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI.
Một nguyên nhân khác, như đã đề cập ở trên, đó là khả năng tăng giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý bao gồm điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là lớn. Và đương nhiên, không thể không nhắc tới nguyên nhân tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa cũng đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá.
Trong khi đó, do kinh tế đang hồi phục, thu nhập người dân đã ổn định hơn nên nhu cầu mua sắm cũng có thể sẽ tăng cao hơn năm trước. Năm 2015, chỉ số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng 6,3% và 5,5% của hai năm liền trước. Số lượng ôtô du lịch tiêu thụ trong năm 2015 tăng 44% so với năm trước. Cùng với tiêu dùng, đầu tư đảo chiều và tăng mạnh trong quý IV/2015.
Năm 2015, dư nợ tín dụng cũng như cung tiền cho đầu tư phát triển đã tăng hơn so với năm trước và độ trễ chính sách là những tác động tới lạm phát của năm 2016. Chưa kể, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2016 và kéo theo đó, sẽ là những tác động tới giá cả thị trường.
Dù nhiều dự báo cho rằng, lạm phát năm 2016 có thể vẫn chỉ xoay quanh ngưỡng 4-5%, nhưng vẫn không thể lơ là với những diễn biến bất thường và hiển nhiên phải luôn cẩn trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.