Nhu cầu năng lượng trên toàn cầu tăng vọt sau đại dịch.

Nhu cầu năng lượng trên toàn cầu tăng vọt sau đại dịch.

Ẩn số giá dầu, giá gas

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp và giới đầu tư đang dõi theo đường đi của giá dầu và khí đốt, đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất.

Thị trường khí đốt thế giới đã có biến động mạnh giữa tuần qua (7/10/2021) khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã sẵn sàng để ổn định giá năng lượng toàn cầu trước nguy cơ giá nhiên liệu tăng vọt đe dọa tới hoạt động của các ngành công nghiệp và đẩy lạm phát tăng cao.

“Chúng ta hãy nghĩ đến việc có thể tăng nguồn cung trên thị trường", ông Putin cho biết.

Trong phiên giao dịch ngày 7/10/2021, các hợp đồng khí đốt giao tháng 11 của Anh tăng gần 40% khi giao dịch mở cửa, nhưng chỉ sau một câu nói của ông Putin, các giao dịch đã kết thúc ngày với mức giảm 9%.

Tom Marzec-Manser, đến từ công ty tư vấn ICIS nhận xét, đây là “ngày biến động và khó đoán nhất mà nhiều người trong ngành từng chứng kiến”.

Một diễn biến khác đáng chú ý liên quan đến thị trường khí đốt toàn cầu, theo một số kênh báo chí nước ngoài, là Mỹ có thể xem xét xả bớt kho dự trữ khí để làm dịu cơn sốt năng lượng ở châu Âu.

Các nhà kinh doanh khí đốt cho biết, một trong những động lực của đà tăng giá là Nga đang hạn chế nguồn cung cấp khí đốt ở châu Âu ở mức thấp trong các hợp đồng dài hạn.

Giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục, được giới đầu tư đánh giá, như là một triệu chứng của cuộc chiến toàn cầu để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu cho nhu cầu phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch. Giá than, được sử dụng để sản xuất điện và sưởi ấm, cũng đã vượt qua mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào năm 2008.

Stephen Brennock của PVM, một công ty môi giới năng lượng ở London nhận xét: “Một cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra với mùa đông ở Bắc bán cầu vẫn chưa bắt đầu”.

Sản xuất khí đốt ở châu Âu đã giảm mạnh, trong khi nhu cầu ở châu Á tăng lên khi các quốc gia ngày càng tìm kiếm các giải pháp thay thế cho than gây ô nhiễm cao, tạo ra một “cuộc chiến” đấu thầu đối với hàng hóa khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Giá năng lượng tăng mạnh đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát trên toàn cầu, điều này đã làm giảm giá trái phiếu chính phủ trên các thị trường tài chính quốc tế. Các nền kinh tế có thể chịu những ảnh hưởng khó dự liệu. Giá nhiên liệu tăng vọt đã trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Trong khi đó, thị trường năng lượng thế giới đang đứng trước một "cơn bão hoàn hảo" do lực cầu tăng vọt hậu Covid-19, trong khi nguồn cung lại bị thắt chặt. Tình trạng thiếu cung và những nút thắt trên chuỗi cung ứng có thể chỉ là tạm thời và sẽ sớm được giải quyết, nhưng vấn đề là mùa đông giá lạnh sắp ập đến.

Bình luận về câu chuyện này, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) cho rằng, giá dầu và khí có thể không diễn biến theo một đường mũi tên đi lên thẳng đứng, sẽ có những yếu tố tác động lớn đến thị trường.

“Rất có thể nguồn cung khí đốt được hứa hẹn tăng, nhưng thực tế lại không lý tưởng như vậy. Câu chuyện còn rất nhiều dữ liệu ở thì tương lai”, ông Tuấn nói.

Tin bài liên quan