Theo bản án sơ thẩm, năm 2010, vợ chồng ông Cao Hoàng Trọng vay vốn tại Ngân hàng Bản Việt số tiền 800 triệu đồng, để bổ sung vốn kinh doanh lúa gạo, lãi suất vay 15,5%/năm, thời hạn 12 tháng. Tài sản đảm bảo gồm 8 thửa đất (đất thổ cư, đất vườn, đất lúa) của bên thứ ba là vợ chồng ông Phạm Hữu Y. ở tỉnh Long An; tổng giá trị là 1,1 tỷ đồng.
Quá trình vay vốn, bên vay mới trả được 80 triệu đồng trừ vào tiền lãi nên năm 2012, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa án.
Ông Cao Trọng Hoàng thừa nhận ký kết hợp đồng vay vốn giúp cho con gái ông Phạm Hữu Y nên ông Y đã thế chấp tài sản của mình.
Trên thực tế, năm 2012 các bên đã thỏa thuận với nội dung vợ chồng ông Trọng sẽ trả khoản vay trên. Trường hợp không có khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, năm 2015, Chánh án TAND tỉnh Long An kháng nghị giám đốc thẩm để hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của các bên. Lý do là vợ chồng ông Y thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 13.150 m2 gồm đất thổ cư, đất lúa, đất vườn và cả vật phụ trên đất song trên diện tích đất thổ cư chưa có sự đồng ý của những người đang sinh sống. Do đó, việc thế chấp đất thổ cư bị vô hiệu.
Ngoài ra, tòa án không đưa những người liên quan và có tên trong hộ khẩu tham gia tố tụng, không làm rõ việc giao nhận tiền vay vốn là vi phạm thủ tục tố tụng.
Đến ngày 7/5/2015, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Long An có quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm xét xử lại.
Các tình tiết trên khiến vụ án kéo dài nhiều năm và mới đây được đưa ra xét xử. Ngân hàng xác định bên vay còn nợ số tiền 3,1 tỷ đồng.
Khi xem xét, tòa án cũng nhận định, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, ngân hàng không đưa những người đang trực tiếp sinh sống, quản lý và sử dụng ngôi nhà cấp 4 trên đất giao kết hợp đồng nên về mặt pháp lý, hợp đồng bị vô hiệu. Ngân hàng cũng đề nghị không phát mại phần đất thổ cư nên tòa án ghi nhận.
Tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền gốc và lãi phát sinh là 3,1 tỷ đồng. Ngân hàng có quyền phát mại đối với 7 thửa đất còn lại.
Liên quan đến dự thảo Luật Hòa giải và đối thoại tại tòa án trình Quốc hội xem xét, một số ý kiến cho rằng, khoản 1, Điều 25 quy định theo hướng Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà không cần phải mở phiên họp với trình tự, thủ tục và thành phần như quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc mở phiên tòa để xem xét, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là không cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, có đủ thời gian và đủ thông tin để Thẩm phán ra quyết định chính xác, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: Nâng thời hạn chuẩn bị ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành từ 05 ngày lên thành 15 ngày để Thẩm phán có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; Trong thời hạn này, bổ sung cho Thẩm phán quyền yêu cầu các bên đương sự trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp các tài liệu làm cơ sở cho việc ra Quyết định công nhận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời Tòa án trong 05 ngày làm việc. |