Ngày 21/2, PXS công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 và đến ngày 26/2, Công ty có báo cáo giải trình kết quả kinh doanh, chuỗi giảm giá của cổ phiếu này cũng bắt đầu từ đây.
Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế, bài toán thoát án hủy niêm yết của PXS đã khó lại càng thêm khó.
Theo báo cáo tài chính tự lập của PXS, trong quý này, Công ty ghi nhận khoản lỗ 175,7 tỷ đồng, tăng vọt so với số lỗ 56,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018.
Việc thua lỗ lớn được doanh nghiệp lý là do trích lập dự phòng khoản phải thu của dự án DKI (đã quá hạn thanh toán).
Ngoài ra, Công ty phải trích lập chi phí dự án Sông Hậu, Dự án Thái Bình và triển khai các dự án chậm.
2019 là năm thứ hai liên tiếp Công ty báo lỗ, với số lỗ 244,5 tỷ đồng, nâng mức lỗ luỹ kế lên 346,6 tỷ đồng, tương đương 57,8% vốn điều lệ.
Thực tế, hoạt động kinh doanh của PXS đã liên tục đi xuống từ năm 2016 tới nay. Nếu như năm 2016, doanh thu của Công ty là 1.548,4 tỷ đồng thì tới năm 2019 chỉ còn 310,3 tỷ đồng, giảm gần 80% trong vòng 4 năm.
Lượng tiền mặt của doanh nghiệp theo đó ngày một cạn. Năm 2016, Công ty có 400,4 tỷ đồng tiền mặt thì nay chỉ còn 102,5 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm 31/12/2019, Công ty có tổng cộng 1.359 tỷ đồng tổng tài sản, chủ yếu là 564,9 tỷ đồng tài sản cố định, chiếm 41,6% tổng tài sản.
Giá trị khoản phải thu là 309,6 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng tài sản.
Trong đó, khoản phải thu với Ban quản lý Dự án công trình DK1 là 116,7 tỷ đồng; phải thu Tổng công ty Lắp máy Việt Nam 21,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lilama 18 là 7,5 tỷ đồng…
Tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang 363,3 tỷ đồng; riêng giá trị tồn kho ứ đọng, kém chất lượng lên tới 121,9 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài đã làm giá trị doanh nghiệp liên tục suy giảm đáng kể theo thời gian.
Việc quản lý vốn kém hiệu quả khi các tài sản liên tục phải trích lập giá trị lớn như khấu hao và khoản phải thu đã đẩy doanh nghiệp lâm vào hoạt động kinh doanh ngày một khó khăn.
PXS là công ty con của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (sở hữu 50,97% cổ phần), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình dầu khí.
Khó khăn khách quan là giá dầu suy giảm, ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án cộng với những vấn đề nội tại khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này ngày càng bết bát. Từ năm 2016 tới nay, trong khi doanh thu giảm mạnh thì chi phí lại tăng lên.
Với việc báo lỗ nặng trong năm 2019, cổ phiếu PXS đã giảm sâu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, ngoài văn bản giải trình lý do lợi nhuận biến động mạnh, đến thời điểm này, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng không có thêm thông tin nào về tình hình hoạt động - kinh doanh để trấn an cổ đông, nhà đầu tư.
Từ năm 2017 tới nay, một số nhân sự cao cấp của PXS bán ra cổ phiếu. Cụ thể, ông Phạm Tất Thành, Giám đốc Công ty bán ra 23.580 cổ phiếu; ông Nguyễn Văn Thân, Trưởng ban Kiểm soát bán 22.000 cổ phiếu.
Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Để không rơi vào tình huống này, PXS sẽ phải khắc phục tình trạng thua lỗ trong năm 2020.
Trong bối cảnh triển vọng phục hồi của ngành dầu khí chưa rõ, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế, bài toán thoát án hủy niêm yết của PXS đã khó lại càng thêm khó.