63,2  là tỷ giá USD/rupee hôm 19/8, mức thấp nhất trong lịch sử, phản ánh tình trạng rút vốn đầu tư khỏi nước này

63,2 là tỷ giá USD/rupee hôm 19/8, mức thấp nhất trong lịch sử, phản ánh tình trạng rút vốn đầu tư khỏi nước này

Ấn Độ: Điểm nóng tiền tệ của các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Các đồng tiền của 20 thị trường mới nổi lớn nhất đã trượt giá mạnh so với đồng USD hôm thứ Hai, trong đó, đồng rupee của Ấn Độ trượt mạnh nhất.

Đồng rupee đã rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử do những vấn đề liên quan đến việc điều hành nền kinh tế của chính phủ nước này. Cú giảm 2,4% hôm thứ Hai xuống mức thấp kỷ lục 63,2 rupee/USD đã đưa đồng tiền này giảm tổng cộng 12% trong năm nay.

Những diễn biến hôm thứ Hai ở Ấn Độ xảy đến cùng những thông tin gây thất vọng ở các nền kinh tế mới nổi và những bằng chứng ngày càng rõ về kế hoạch cắt giảm gói QE của Fed tiếp tục tác động lên chứng khoán, trái phiếu và các đồng tiền trên khắp thế giới đang phát triển.

Những lo ngại về tác động của kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu của Fed đang hòa trộn với tình hình tăng trưởng kinh tế chậm chạp và nền tảng tài chính yếu ớt ở nhiều quốc gia. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tình trạng thâm hụt cán cân vãng lãi do các dòng vốn nóng gây ra hơn là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai là vấn đề gây lo lắng nhất ở các nước đó”, Angus Halkett, quản lý quỹ đầu tư trái phiếu của Stone Harbor Investment Partners nói. “Thị trường đang rất kén chọn nơi đổ tiền vào”.

Các số liệu được công bố hôm thứ Hai cho thấy, phương trình tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đang thay đổi như thế nào, khi mà nền kinh tế Thái Lan đang dần rơi vào suy thoái kỹ thuật do xuất khẩu yếu và cầu nội địa suy giảm.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là mối quan tâm lớn nhất với nhiều nhà đầu tư. Chủ nghĩa bi quan nơi đây đang hoài nghi về hiệu quả quản lý của chính phủ sau một số biện pháp hỗ trợ đồng tiền bị thất bại, phần nào làm trầm trọng thêm các vấn đề của nước này.

Chỉ số Sensex, chỉ số chính của TTCK Ấn Độ, cũng đã giảm gần 2%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của nước này tăng lên trên 9%/năm, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở Ấn Độ đã được chính trị hóa khi các nhân vật cấp cao từ đảng đối lập Dân tộc chủ nghĩa Bharatiya tuyên bố hôm thứ Hai rằng, cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng hiện nay là Chính phủ kêu gọi bầu cử sớm (lịch ban đầu là tháng 5 năm sau).

“Chính phủ dường như đã mất kiểm soát nền kinh tế. Tất cả những gì họ đang làm đều vô tác dụng”, Yashwant Sinha, cựu Bộ trưởng Tài chính của Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bharatiya nói với tờ Thời báo Tài chính (Financial Times). “Có một cuộc khủng hoảng niềm tin mà chỉ có thể được giải quyết thông qua tiến trình chính trị. Kêu gọi một cuộc bầu cử mới sẽ giúp “ổn định thị trường”, ông này nói.

Việc kêu gọi một cuộc bầu cử sớm đã được nhắc lại bởi một số nhân vật thân với đảng cầm quyền. Sanjaya Baru, cựu cố vấn của Thủ tướng Manmohan Singh nói rằng, cuộc bầu cử sớm sẽ giúp ngăn chặn cơn lũ đang cuốn trôi nền kinh tế Ấn Độ.

“Mọi người chỉ đang quan sát và chờ đợi. Những gì Ấn Độ cần là sự hồi sinh của hoạt động đầu tư, nhưng tôi không nhận thấy hoạt đầu tư sẽ sôi động trở lại chừng nào chưa có một chính phủ mới được lập ra”, Singh nói.

Ông Singh, một nhà kinh tế, cuối tuần vừa rồi cũng đứng ra xoa dịu công chúng bằng cách nhấn mạnh rằng, Ấn Độ vẫn còn cách xa khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán năm 1991. Những người ủng hộ ông Singh nói thêm, với dự trữ ngoại hối như hiện tại, Ấn Độ có thể đáp ứng được trên 6 tháng nhập khẩu, chứ không phải chỉ 2 tháng như trong cuộc khủng hoảng năm 1991. Ấn Độ hiện tốt hơn nhiều so với thời điểm đó, nên có thể ứng phó được với những biến động của thị trường.

Jahangir Aziz, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của JPMorgan nói rằng, Chính phủ Ấn Độ cần làm nhiều hơn nữa để chiến thắng thị trường. “Họ đang khiến người ta nghĩ rằng, họ không có lựa chọn nào, trong khi trên thực tế, họ thực sự có và cần đặt chúng lên bàn”, Aziz nói.

Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành các quy định kiểm soát hoạt động đầu tư ra bên ngoài của các doanh nghiệp và công dân Ấn Độ nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy ra. Nhưng Ấn Độ cần hấp dẫn dòng vốn, Aziz nói, thông qua các biện pháp, như nới lỏng các quy định hạn chế - thứ ngăn cản các nhà đầu tư dài hạn nước ngoài mua trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp Ấn Độ.

“Họ chỉ làm những việc ngăn dòng tiền chảy ra. Thế là chưa đủ. Họ còn phải tìm cách thu hút dòng tiền vào nữa”, Aziz nói.