Ám ảnh kết quả kinh doanh quý II/2012

Ám ảnh kết quả kinh doanh quý II/2012

Khi những lo ngại về tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ nói chung còn chưa phai nhạt, TTCK lại phải đối diện với những rủi ro đặc thù của mùa báo cáo bán niên chuẩn bị tới hạn công bố.

Bức tranh của hoạt động kinh doanh của DN niêm yết trên hai sàn trong quý I/2012 phủ một màu ảm đạm, trong đó đôi khi lóe sáng con số lãi của một vài DN tốt cũng không thể tạo một niềm tin đủ vững chắc cho cộng đồng đầu tư về triển vọng quý II.

Không lỗ là may

Giám đốc tài chính của một doanh nghiệp niêm yết trên HNX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, phân phối cho biết, DN cảm nhận rất rõ ràng về sự suy giảm sức cầu của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại. Hoạt động cầm chừng là định hướng chính của DN vì theo ý kiến này “không lỗ đã là may mắn lắm” khi hàng loạt DN khác phải đối diện với áp lực hàng tồn kho quá lớn trong khi lãi vay chưa thể giảm được gánh nặng. “Thế chấp NH bằng hàng tồn kho lúc này cũng khó khăn, lãi vay phải thương lượng nhiều lần mà vẫn còn cao. Trừ những DN thực sự bị sức ép về vốn mới dám vay, còn chừng nào cầm cự được, đành nín thở, hạn chế “vận động” cho đỡ tốn “năng lượng”.

Con số hàng trăm DN niêm yết báo cáo lỗ trong quý I/2012 là điều không lạ. Tuy nhiên mối lo ngại sẽ được làm mới trở lại trong quý II vì hoạt động kinh doanh không thể thay đổi quá nhanh chỉ trong vài tháng khi nền kinh tế sụt giảm tăng trưởng thấy rõ. Giám đốc phân tích của một CTCK cho biết, thường từ thời điểm đầu tháng 6, để phục vụ công tác tư vấn đầu tư, các CTCK đã bắt đầu dò hỏi, tham vấn DN về triển vọng kết quả kinh doanh. “Trừ một số ít DN vẫn duy trì được hoạt động công bố thông tin kinh doanh hằng tháng bằng con số ước tính, các DN còn lại đều ngần ngại chia sẻ thông tin. Điều này cũng dễ hiểu vì có thể DN chưa muốn đưa ra con số ước tính trước khi có soát xét báo cáo bán niên, nhưng đa số là vì cố gắng cân đối sổ sách để có được một kết quả kinh doanh “hồng” hơn một chút” - vị giám đốc phân tích này chia sẻ.

Nhóm các CTCK niêm yết trong quý I vừa qua được xem là hưởng lợi khá nhiều trong đợt thị trường tăng trưởng đầu năm. Hoàn nhập dự phòng, tranh thủ xả kho hàng để thu về tiền mặt là hoạt động diễn ra phổ biến. Điều này đã giúp bức tranh kết quả kinh doanh quý I sáng bất ngờ. Không có gì lạ khi các CP thuộc ngành này đã tăng trưởng rất khá thời gian qua.

Từ lâu, hoạt động tự doanh của các CTCK có hiệu quả hay không là điều bị nghi ngờ. Kỳ vọng với giá CP CTCK phần lớn không đến từ nguồn tự doanh hay doanh thu môi giới, mà từ hoàn nhập dự phòng. Xu hướng đi ngang và giảm là chủ đạo trong quý II chắc chắn sẽ làm nguội đi đáng kể kỳ vọng này.

“Một con số lợi nhuận bình bình là dễ hiện thực với các CTCK vì trong quý II cũng có thời gian ngắn thị trường tăng trưởng và doanh số giao dịch hàng ngày lớn. Tuy nhiên trông chờ vào môi giới chỉ bó hẹp trong một số công ty có thị phần lớn, còn đa số vẫn rất khó khăn, không đủ bù đắp chi phí thường xuyên”, vị giám đốc phân tích nói trên thừa nhận. “Nhưng vấn đề lúc này là NĐT không chấp nhận một sự bình bình, mà ngược lại, họ đánh giá triển vọng kém tích cực thì cũng đánh giá CP kém hơn”.

Thị trường đang trả giá cho sự bốc đồng?

Hiện tượng sụt giảm gần đây của thị trường niêm yết được cho là khó hiểu khi hàng loạt tin tốt xuất hiện, nhưng thực ra lại là hợp lý khi trước đó đã kỳ vọng thái quá. Khi mà những số liệu vĩ mô và kết quả kinh doanh thực tế của DN làm sáng rõ hơn thực trạng kinh tế cũng như năng lực kinh doanh thì NĐT có cơ sở để đánh giá triển vọng. Với giá cả hàng hóa sụt giảm, tăng trưởng kinh tế thấp, vốn đưa vào kinh doanh co hẹp thì không thể trông mong gì một tình trạng sản xuất tích cực.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc chỉ số giá tiêu dùng giảm là do sức mua giảm. Đối với thị trường tài chính, đây lại là tín hiệu xấu chứ không phải tốt, nhất là khi đi kèm với mức tăng trưởng yếu. Mới đây hãng tin Bloomberg cũng đăng tải nhận định của Ngân hàng ANZ cho rằng đà giảm của lạm phát ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do giảm giá nguyên - nhiên liệu, giá thực phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt là cầu tiêu dùng nội địa thấp hơn nhiều so với dự báo. Ngoài ra, những lo ngại về tình trạng sức khỏe NH cũng có thể ảnh hưởng tới niềm tin của NĐT và tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Điều này không phải là mới, chẳng hạn vấn đề nợ xấu, tồn kho, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp sụt giảm, nhưng đã bị bỏ qua trong những tháng đầu năm. Ngay cả tháng đầu quý II, TTCK vẫn tràn đầy hi vọng và tăng giá tốt. Thị trường đã quá hào hứng với xu hướng nới lỏng tín dụng mà quên đi điều gì đã gây ra sức ép phải nới lỏng tín dụng. Kết quả kinh doanh quý II chắc chắn sẽ là những con số rõ ràng nhất để thị trường bình tĩnh trở lại. Không phải đợt sụt giảm 2 tháng trở lại đây thị trường “đánh đố” NĐT, mà là đang trả giá lại cho hợp lý sau quãng thời gian tăng quá bốc đồng.