Ám ảnh gánh nặng tỷ giá

Ám ảnh gánh nặng tỷ giá

(ĐTCK) Mức độ biến động ngày càng mạnh của các loại ngoại tệ đã trở thành “ác mộng” với nhiều doanh nghiệp, khi thời điểm hạch toán lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá cuối năm đang đến gần.

Sức mạnh đồng bạc xanh

Theo tính toán của CTCK SSI, việc cán cân thương mại đã chuyển sang thâm hụt 420 triệu USD (trong nửa đầu tháng 11/2018) là một tín hiệu cho thấy mức độ thâm hụt có thể còn gia tăng vào mùa cao điểm cuối năm. Theo đó, tỷ giá chính thức USD/VND đã được điều chỉnh tăng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn nhiều áp lực cuối năm.

Trong số đó, những doanh nghiệp có nguồn vay nợ bằng USD sẽ thiệt hại trực tiếp khi gánh nặng nợ vay tăng lên. Một số doanh nghiệp có hoạt động nhập nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài cũng sẽ chịu chi phí tăng thêm và phần nhiều những thiệt hại về chi phí tăng thêm lớn hơn lợi ích thu về từ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có các khoản thanh toán thường xuyên bằng ngoại tệ cũng chịu thiệt hại không nhỏ khi USD tăng giá như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện đang thanh toán nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài khoảng 850 triệu USD/năm, hay CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến phải chi trên dưới 1 tỷ USD/năm để trả tiền mua dầu thô nguyên liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ.

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cho hay, đồng USD tăng giá hơn 2,75% so với đầu năm đã khiến Công ty phải hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại lên đến 142,7 tỷ đồng (tính đến hết tháng 9/2018). Con số này dự kiến sẽ còn tăng nhẹ vào thời điểm cuối năm 2018. Tính đến hết quý III/2018, dư nợ của HND lên đến 7.900 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả cũng ghi nhận khoản nợ vay lớn hơn 4.490 tỷ đồng, tương đương với khoản chi phí lãi vay hàng năm lên đến hơn 80 tỷ đồng. Gánh nặng nợ vay bằng USD tại CTCP Nhiệt Điện Nhơn Trạch 2 (NT2) nhiều khả năng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của Công ty.

Ngay từ đầu năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đưa ra giả định, nếu tỷ giá biến động khoảng 2% sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.800 tỷ đồng. Theo đó, với diễn biến hiện tại, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của PVN sẽ cao hơn so với mức 1.800 tỷ đồng dự kiến.

Trên sàn chứng khoán, số doanh nghiệp có dư nợ bằng USD khá nhiều, trong đó tập trung ở nhóm doanh nghiệp vận tải biển như VOS, VTO…, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân tại các doanh nghiệp này đang ở mức khá cao. 

Các loại ngoại tệ khác

So với USD, biến động của các loại ngoại tệ khác có phần “dễ thở” hơn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành điện, vốn có tỷ lệ các khoản vay ngoại tệ khá cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Huỳnh Lin, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cho biết, biến động tỷ giá là một trong những loại rủi ro mà doanh nghiệp ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Biến động bất lợi của các đồng ngoại tệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất - kinh doanh…, mà còn tác động đến các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ khi phải hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá.

“So với USD, đồng won có phần ít biến động hơn. Nếu như trong quý II/2018, BTP đã ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại số dư nợ vay bằng won là 23 tỷ đồng, thì sang quý III lỗ hơn 10 tỷ đồng. Với diễn biến tăng nhẹ của đồng tiền này trong quý IV/2018, nhiều khả năng Công ty phải hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá, song mức độ không quá lớn”, ông Lin cho biết.

Tính đến hết 9 tháng năm 2018, BTP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 96,66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, Công ty lỗ hơn 50 tỷ đồng và đã vượt hơn 10% so với kế hoạch cả năm 2018. Quý IV/2018, Công ty ước đạt 198,56 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 7,37 tỷ đồng.

Với kết quả này, lợi nhuận năm 2018 của BTP dự kiến sẽ vượt khoảng 20% so với kế hoạch. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh, cùng với các loại chi phí bán hàng và doanh nghiệp cùng tăng, khiến kết quả lợi nhuận sau thuế quý III của BTP lỗ 19,3 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo BTP, các doanh nghiệp cần tính đến việc làm thế nào để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá. Tuy nhiên, cách duy nhất là giảm dần khoản nợ vay, còn việc chuyển đổi các đồng ngoại tệ sang VND trong nhiều trường hợp không phải là cách hợp lý, chưa kể bản thân các ngân hàng thường “cầm đằng chuôi”, nên nhiều khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi khoản vay bằng ngoại tệ lại phải chịu thêm chi phí…

Tại CTCP Nhiệt Điện Phả lại, kết quả kinh doanh năm 2018 có phần khả quan hơn nhờ chi phí lãi vay thấp hơn và lỗ tỷ giá giảm. Tính đến hết quý III/2018,  khoản dư nợ vay bằng JPY chỉ còn hơn 2,5 tỷ JPY và với biến động tăng nhẹ của đồng tiền này trong năm 2018, PPC phải hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá trên dưới 20 tỷ đồng.

Hoạt động của doanh nghiệp có liên quan đến các khoản nợ, chi trả bằng các đồng ngoại tệ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2018 và được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2019. 

Tin bài liên quan