Ai trả lại công bằng cho nhà đầu tư?

Ai trả lại công bằng cho nhà đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phản ứng gay gắt từ cộng đồng nhà đầu tư, HOSE và các công ty chứng khoán đã phải thay đổi, song tuần này ra sao vẫn là sự bất định.

Như người mù dò đường

Ngay khi giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cụ thể là các công ty chứng khoán cắt chức năng sửa/hủy lệnh trực tiếp của khách hàng được đưa ra sau phiên ngừng giao dịch chiều 1/6/2021, nhiều nhà đầu tư lâu năm lắc đầu chán nản.

Một nhân sự đang làm việc tại một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, không cho hủy/sửa lệnh, nhà tạo lập cho các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), chứng chỉ quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) như người mù dò đường.

Bản thân các quỹ đầu tư khi đặt lệnh giao dịch sẽ dựa trên giá trung bình, nhưng nhiều nhà đầu tư giờ đây chuyển sang dùng lệnh thị trường (MP) để bán, dẫn đến tính chủ động trong tạo lập của các quỹ trở nên bị động.

Thị trường tuần qua là tuần “thị phi” đối với HOSE khi bảng điện tử liên tục gặp tình cảnh đơ, giật (lag), không chỉ nghẽn lệnh mà còn hiển thị các giao dịch chậm hàng chục phút theo thời gian thực.

Như phiên sáng 7/6, VN-Index đứng yên từ 9h45 đến 11h với mức tăng 2 điểm, thanh khoản 4.500 tỷ đồng, nhưng 15 phút trước giờ nghỉ trưa, chỉ số đột ngột hiển thị mức giảm 25 điểm - mạnh nhất kể từ cuối tháng 4 trở lại đây.

Tình trạng đơ tiếp diễn trong phiên sáng 8/6, khi các mức giá đặt lệnh, giá khớp, khối lượng hiển thị không thể hiện kịp thời.

Đơ bảng điện, nghẽn lệnh, trả lệnh chậm, dẫn đến tiền và hàng bị “treo”, sau đó tạo thành hiệu ứng quả cầu tuyết, thị trường lao dốc, khi nhiều nhà đầu tư do không thể đặt lệnh sửa/hủy nên buộc phải đặt lệnh MP, loại lệnh sẽ liên tục khớp tại bất cứ mức giá nào, miễn là có lệnh giao dịch đối ứng. Kết thúc phiên, chỉ số mất 40 điểm, đánh bay kết quả tăng điểm của tháng 5.

Cực kỳ lộn xộn là tình trạng hạn chế hủy/sửa lệnh diễn ra không đồng loạt ở khối công ty chứng khoán và không đồng đều ở các kênh giao dịch. Phần lớn nhà đầu tư không thể sửa/hủy lệnh, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn được thực hiện qua kênh môi giới bình thường, dẫn đến bất bình đẳng trong giao dịch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Nguyễn Duy Ân bức xúc nói: “Thật không công bằng với nhà đầu tư. Bảng điện hiển thị sai giá, chậm, lỗi, lại không thể sửa/hủy lệnh, chẳng khác nào ép nhà đầu tư mua bán bằng lệnh MP”.

Nhà đầu tư Trần Hồng đặt câu hỏi: “Chúng tôi liệu có thể kiện công ty chứng khoán không công bằng khi khách “VIP” vẫn được môi giới cho sửa lệnh? Cơ quan quản lý có điều tra chuyện này? Mà điều tra thì nhà đầu tư có được đền bù thiệt hại không?”.

Bị nhà đầu tư phản ứng dữ dội, các công ty chứng khoán đã mở lại tính năng sửa/hủy lệnh, chỉ còn kiểm soát theo khung giờ nhất định theo yêu cầu của HOSE.

Nhà đầu tư bị “bắt nạt”

Sau khi thử nghiệm việc dừng sửa/hủy lệnh, số lệnh hủy giảm một nửa so với trước, giúp tính an toàn hệ thống và thanh khoản thị trường tăng cao, đến ngày 4/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE họp với 20 công ty chứng khoán hàng đầu, yêu cầu các công ty này cắt chức năng sửa/hủy lệnh trực tiếp của nhà đầu tư trên hệ thống.

Nhà đầu tư đã bị “bắt nạt”, thay vì được bảo vệ quyền lợi, cảnh báo rủi ro.

Đáng ngại hơn, khi mà việc cắt chức năng sửa/hủy lệnh của nhà đầu tư vào ngày 2 - 3/6 bắt đầu được thử nghiệm ở một số công ty chứng khoán lớn, thanh khoản tăng và thị trường tăng điểm, thì cuối tuần đó, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bất thình lình tiết lộ con số dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường là hơn 112.000 tỷ đồng và cảnh báo nguy cơ thị trường đảo chiều.

Trước đó, Ủy ban gần như im lặng khi nhà đầu tư bức xúc vì nghẽn lệnh, hay tin đồn “căng” margin đã diễn ra nhiều lần, chưa kể các thông tin về kho hàng cho vay tới tỷ lệ 1:8, tức vay gấp 8 lần vốn bỏ ra để chơi chứng khoán. Đây được cho là một nhân tố khiến thị trường đảo chiều mạnh vào phiên thứ Hai, ngày 7/6.

“Chúng tôi như cá nằm trên thớt”, nhà đầu tư Trần Hồng nói.

Hệ thống giao dịch mới của HOSE: Nhiều kỳ lạ

Nhà đầu tư Nguyễn Phương Duy, CEO Công ty AIQuant

Năm 2001, tôi đi học khóa đầu tiên để lấy chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, năm 2002 làm ở bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán có vốn gấp gần 10 lần SSI khi đó. Khi học nhập lệnh ở sàn, tôi đã phát hiện ra cách nhập lệnh nhanh bằng chiêu copy lệnh lưu và sửa, nên nhập rất nhanh, gọi là phương thức dán lệnh.

Hệ thống giao dịch Thái Lan tặng HOSE là hệ thống của Mỹ mà người Thái dùng từ nhiều năm trước. Hệ thống với ngôn ngữ COBOL viết cũng khá giống như Basic dùng trong hệ thống điều khiển giao dịch thương mại, máy bay ở miền Nam khi giai đoạn đất nước còn chưa thống nhất.

Khi tôi mày mò hệ thống đó, thấy hệ thống cho phép giao dịch T+0, có cả các giao dịch phái sinh như hợp đồng tương lai, quyền chọn… theo cơ chế của sàn Chicago (Mỹ). Ngay từ năm 2002, tôi đã nghĩ, chắc vài năm nữa, Việt Nam sẽ có thị trường giao dịch tự động, đặt lệnh tùy thích, mua nhanh, bán ngay..., nhưng phải chờ có phần mềm mới.

Cái giá 600 tỷ đồng cho hệ thống giao dịch mới của HOSE bị trễ hẹn có nhiều dấu hỏi, xét ở yếu tố pháp lý và tầm nhìn công nghệ.

Công nghệ đó, đánh giá về trình độ công nghệ thông tin và phương thức khớp lệnh trực tuyến, cũng như sức tải lớn thì có đáng giá như vậy hay không? Bởi lẽ, hệ thống ngân hàng lõi (core banking) có đặc tính phức tạp hơn, ký kết với các đối tác Ấn Độ cũng chỉ mất chi phí từ 1 - 5 triệu USD. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi ước tính, hệ thống mới cho HOSE thời đó chỉ cần khoảng 2 triệu USD. Sự chênh lệch đó thật kỳ lạ.

Dấu hỏi thứ hai là một hệ thống triển khai 9 năm chưa xong, một nghịch lý trong triển khai cũng như tính pháp lý của hợp đồng.

Năm 2012, HOSE đã ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để triển khai gói thầu “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” trị giá hơn 600 tỷ đồng cho thời hạn 5 năm. Tại sao một hệ thống đã có sẵn, chỉ cần Việt hóa và thực hiện vài thay đổi cho phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam lại chậm trễ như vậy và tại sao không bị phạt hợp đồng? Vai trò giám sát chất lượng và tính thời hiệu hợp đồng sao không tuân thủ?

Dấu hỏi thứ ba là trách nhiệm của HOSE khi nhiều tháng qua, tình trạng nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư gặp rủi ro, bị thiệt hại, trong khi theo quy định, Sở phải đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn cho nhà đầu tư.

Khách quan mà nói, nhà đầu tư không được đối xử trân trọng như một khách hàng. Chưa thấy một câu xin lỗi mang tính trách nhiệm của người đang nhận lương từ tiền thuế, từ tiền của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần nhận được sự cam kết khắc phục và lấy tinh thần vì dân phục vụ mà đổi mới cho phù hợp với thời đại 4.0.

Dấu hỏi thứ tư là công nghệ thời 2012 đáp ứng sức tải lệnh bao nhiêu trên 1 giây, có thể ứng dụng các phương thức API hay giao tiếp nào tiện lợi hay không? Có giao dịch T+0 và các sản phẩm như quốc tế đang áp dụng hay không? Cần công khai cho nhà đầu tư biết, vì đây là yếu tố sẽ góp phần giúp thị trường phát triển vượt bậc.

Việc khó không phải ở công nghệ, mà vốn dĩ ở lòng người.

Tin bài liên quan