Ai đang sẵn sàng mua cổ phiếu?

Ai đang sẵn sàng mua cổ phiếu?

(ĐTCK) Câu trả lời đầu tiên là khối ngoại, họ đang làm vậy. Các NĐT trong nước, một số cũng đã sẵn sàng bởi đây là cơ hội tốt.

Trong lúc TTCK rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin thì trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lại cho rằng, đây là cơ hội rất tốt cho SSI thực hiện chiến lược đầu tư của mình. Với SSI, từ lâu, chiến lược đầu tư được gọi tên là đầu tư vào DN - những DN được chọn lựa trong một số ngành cơ bản, có tiềm năng phát triển và đặc biệt là có bộ máy lãnh đạo cầu tiến, sẵn sàng hợp tác vì tương lai của DN.

 

Đi ngược đám đông

Với vốn chủ sở hữu trên 3.500 tỷ đồng tính đến 30/6/2012, SSI hiện có gần 1.500 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền. Khẳng định “mua” của ông Hưng vì thế là có căn cứ thực tế. Trong một số ngày tới, SSI sẽ công bố việc mua tiếp cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại một số DN, bởi theo ông Hưng, đà rơi của TTCK như những phiên vừa qua đã khiến giá nhiều cổ phiếu trở nên quá rẻ. Tuy nhiên, “không phải tất cả các cổ phiếu đều rẻ”, ông Hưng nói và cho rằng, có nhiều mã hiện không còn giá trị, thậm chí DN đã âm vốn chủ sở hữu rất nhiều nhưng vẫn được giao dịch. Bên cạnh đó, có những cổ phiếu tốt đang bị định giá thấp, so với giá trị thực của nó.

Từ lâu, SSI đã chọn đầu tư chiến lược vào DN, thay vì đầu tư vào cổ phiếu theo cách tự doanh thông thường. Theo đó, SSI đã và đang chuyển DN được đầu tư thành các công ty liên kết. Cách làm này, như nhiều ý kiến bình luận, đang mang lại cho Công ty hai điểm lợi trực diện: thứ nhất, SSI có nguồn thu nhập ổn định từ cổ tức hàng năm của các DN liên kết; thứ hai, dù thị trường suy giảm đến mức nào, khoản đầu tư vào công ty liên kết cũng không phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, giúp SSI tránh khoản lỗ kế toán như các DN đầu tư tài chính thông thường phải làm.

Ngoài hai lợi ích trực diện trên, một lợi ích vô hình khi SSI đã chọn và mua đến mức sở hữu lớn tại một số DN là những gói đầu tư này có sức hấp dẫn không nhỏ với nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài, họ có thể trả giá cao hơn nhiều mức giá mua trung bình, để đạt được tỷ lệ sở hữu lớn tại DN. Thực tế, cách làm của SSI không khó nhận diện, nhưng hoàn toàn không dễ để thực thi, không chỉ vì yêu cầu tổ chức đầu tư phải có năng lực tài chính tốt, có tầm nhìn dài hạn, mà còn đòi hỏi tiêu chuẩn riêng ở đội ngũ nhân sự thực thi nhiệm vụ này. Để có thể hợp tác được với DN, hợp tác được với các cổ đông lớn khác để cùng ngồi lại, xác lập một chiến lược mới cho DN luôn là điều không dễ dàng và không thể nóng vội. Ở vị trí của một công ty chứng khoán, SSI chịu giới hạn đầu tư tối đa 20% vốn cổ phần vào DN niêm yết và chính vì yếu tố này, tiêu chí phải hợp tác được với Ban lãnh đạo DN, với các cổ đông lớn của DN được SSI coi là quan trọng nhất khi quyết định DN mục tiêu. Hiện tại, SSI có gần 10 công ty liên kết (GIL, NSC, SSC, PAN, ABT, HVG…) và đang nhắm đến một số DN mục tiêu trong ngành nông nghiệp, hàng tiêu dùng…

Ngoài SSI, khảo sát của ĐTCK tại nhiều CTCK khác cho thấy, ý định đi ngược thị trường lúc này hầu như không được công ty nào chọn lựa. Thái độ với tự doanh của các CTCK là thận trọng, đứng ngoài quan sát thị trường và cố gắng bảo toàn khoản tiền và cổ phiếu đang được dùng để hỗ trợ giao dịch cho NĐT.

 

NĐT ngoại tiếp tục mua ròng

Chỉ trong 1 tuần qua, cùng với sự sụt giảm mạnh của giá trị giao dịch (giảm gần 50% so với tuần trước đó), VN-Index mất 44,46 điểm, tương đương 10,2%, HNX-Index mất 9,42 điểm, tương đương 13,3%, khiến giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam mất gần 65.300 tỷ đồng (khoảng 3,1 tỷ USD). Tuy nhiên, trong bức tranh u ám này, NĐT ngoại lại tỏ ra rất bình tĩnh, khi chỉ trong 1 tuần, họ đã mua ròng khoảng 400 tỷ đồng trên cả 2 sàn, lực mua tập trung mạnh vào các mã như DPM, GAS, MBB, DRC… Sang phiên thứ Hai, 27/8, NĐT ngoại tiếp tục ở trạng thái mua ròng, mặc dù bức tranh chung toàn thị trường vẫn là số lệnh đặt bán chiếm áp đảo.

Là một trong những đối tượng nằm trong “tâm bão” bị ảnh hưởng thông tin từ một số nhân sự chủ chốt của ACB bị khởi tố, nhưng trao đổi với ĐTCK, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital khẳng định: “Chúng tôi giữ quan điểm đầu tư như cũ đối với ACB”. Tại ngày 5/2/2012, Dragon Financial Holdings do Dragon Capital quản lý nắm tới 6,81% vốn ở ACB và ông Dominic chia sẻ quan điểm đầu tư dài hạn vào ACB, bởi nhìn về dài hạn, ACB vẫn là doanh nghiệp kinh doanh tốt, thương hiệu mạnh. “Những gì xảy ra vừa qua chỉ là những vi phạm có tính cá nhân và chúng tôi tin, nó không liên quan trực tiếp đến hoạt động ở ACB”, ông nói. Hiện tại, Dragon Capital còn một lượng tiền mặt không nhỏ và không loại trừ khả năng tổ chức này sẽ tham gia mua khi giá cổ phiếu rơi đến mức hấp dẫn như hiện nay.

Một số tổ chức đầu tư nước ngoài  đã công khai những nhận định tích cực về thời điểm đầu tư vào TTCK Việt Nam . JP Morgan cho rằng, xu hướng giảm mạnh của chỉ số VN-Index đang tạo nên một điểm gia nhập thị trường tốt hơn, hấp dẫn hơn cho các NĐT nước ngoài, đặc biệt là những người từ đầu năm đến nay đã đứng ngoài thị trường, bỏ lỡ cơ hội tăng điểm gần 12%. JP Morgan cũng đưa ra khuyến nghị mua vào đối với các cổ phiếu thuộc ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, cổ phiếu của DN thuộc lĩnh vực xuất khẩu… và thể hiện niềm tin rằng, môi trường kinh tế vĩ mô đang được cải thiện dần ở Việt Nam.

Dù thị trường xác lập xu hướng giảm giá mạnh, nhưng thống kê của UBCK cho biết, tuần qua, riêng tại sàn HOSE, số lượng lệnh đặt mua trong ngày thấp nhất cũng là 14.000 lệnh (phiên ngày 23/8/2012) và nhiều nhất lên tới gần 50.000 lệnh (phiên ngày 24/8/2012).

“Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy sợ hãi khi thị trường tham lam”. Câu nói nổi tiếng của NĐT huyền thoại Warren Buffett liệu có giúp các NĐT mua “ngược dòng” thị trường thành công hay không? Câu trả lời ở phía trước.