Khủng hoảng cung vượt cầu cá tra vẫn là thách thức với Agifish.

Khủng hoảng cung vượt cầu cá tra vẫn là thách thức với Agifish.

Agifish (AGF) buộc phải lãi nếu không muốn rời sàn

(ĐTCK) Từng là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, song 3 năm trở lại đây, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - Agifish (mã chứng khoán AGF) liên tiếp thua lỗ, cổ phiếu đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt.

Agifish áp dụng niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Niên độ tài chính 2017 - 2018, Công ty đạt 1.285 tỷ đồng doanh thu, giảm 43% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế cả năm ghi nhận mức âm 190 tỷ đồng.

Sang niên độ 2018 - 2019, doanh thu của Agifish đạt 806,8 tỷ đồng, giảm 37,2% so với năm trước đó và ghi nhận lỗ 111,7 tỷ đồng, giảm nhiều so với số lỗ hơn 178 tỷ đồng trong năm trước. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Công ty chịu lỗ.

Tuy nhiên, bóc tách báo cáo tài chính theo quý, từ quý II của niên độ tài chính 2018 - 2019, Công ty bắt đầu có lãi trở lại, nên Công ty chưa bị hủy niêm yết bắt buộc.

Riêng quý IV, Công ty đạt doanh thu thuần 168 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với số lỗ 217 triệu đồng trong quý IV năm ngoái.

Đáng chú ý, Agifish chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phùng Đức Hùng Dũng, Phụ trách công bố thông tin Agifish cho biết, Hội đồng quản trị Công ty đã đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho năm 2020 lần lượt là 880 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, giảm 41% và 27% so với mục tiêu đã đề ra cho niên độ 2018 - 2019.

Con số này sẽ được trình xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 20/2/2020. Theo ông Dũng, chưa có con số cụ thể về lợi nhuận quý I niên độ 2019 - 2020, nhưng dự kiến đây là một con số dương.

Nói về tính khả thi của kế hoạch lãi 22 tỷ đồng trong niên độ 1/10/2019 - 30/9/2020, ông Dũng cho biết, đây là con số Công ty đã tính sát với tình hình thực tế và Ban lãnh đạo Công ty đang tìm các hướng để thực thi kế hoạch này.

Năm 2020, Công ty buộc phải lãi nếu không muốn phải hủy niêm yết bắt buộc, dù rằng chưa thể nào bù khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng từ giai đoạn 2017 - 2019.

“Chúng tôi cũng đặt các chỉ tiêu khác ở mức thấp hơn so với cùng kỳ như sản lượng xuất khẩu đạt 5.200 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 80.000 USD và sản lượng nguyên liệu nuôi đạt 5.000 tấn”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, Công ty đang tập trung tái cơ cấu lại hai nhà máy gia công. Tổng cộng Agifish có 3 nhà máy đông lạnh, riêng trong năm 2019, Công ty chủ yếu tập trung vào 1 nhà máy sản xuất.

Trước đây, Công ty đã thông qua việc bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8, AGF9 và 2 vùng nuôi tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để trả các khoản nợ vay và bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, hiện tại, Agifish cho rằng, việc để lại hai nhà máy gia công này sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là việc bán đi, nên sẽ tập trung tái cấu trúc lại hai nhà máy.

Thực tế, khó khăn của Agifish cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành là do khách hàng nợ tiền hàng.

Chưa kể, nhìn vào các báo cáo tài chính quý cho thấy, đã có thời điểm, Công ty bán hàng dưới giá vốn, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2018.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, tình trạng bán dưới giá vốn đã chấm dứt nhưng khủng hoảng cung vượt cầu trong lĩnh vực cá tra cũng đang là một thách thức đối với Công ty.

Tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Công ty sẽ thống nhất xóa các khoản nợ khó đòi gần 80 tỷ đồng và thay đổi niên độ kế toán sang bắt đầu vào ngày 1/1 và kết thúc vào 31/12 cùng năm, áp dụng từ năm 2020.

Thế nên, niên độ tài chính 2020 của Agifish sẽ chia làm 2 giai đoạn, bao gồm niên độ chuyển tiếp từ ngày 1/10/2019, kết thúc ngày 31/12/2019 và giai đoạn niên độ áp dụng mới bắt đầu từ ngày 1/1/2020, kết thúc ngày 31/12/2020. Báo cáo tài chính sẽ được lập riêng cho từng giai đoạn.

Không chỉ tái cấu trúc hoạt động, nhân sự tại Agifish sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.

Theo đó, Agifish sẽ trình Đại hội đồng thường niên năm 2020 thông qua việc bổ sung thêm một người mới vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2023 cũng như bổ sung ông Nguyễn Tường Huy và bà Nguyễn Phạm Bảo Châu vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2023 do ông Võ Minh Phương - Trưởng ban Kiểm soát và bà Triệu Nguyễn Ngọc Minh, thành viên Ban Kiểm soát đã xin từ nhiệm.

Lãnh đạo Agifish cho biết, ở thời điểm hiện tại, Công ty bằng mọi cách tái cấu trúc doanh nghiệp để có lãi trong năm 2020, bởi không muốn chia tay sàn chứng khoán.

Tin bài liên quan