AFC Vietnam Fund: Đã tới thời điểm chứng khoán Việt tăng nhờ nội lực

AFC Vietnam Fund: Đã tới thời điểm chứng khoán Việt tăng nhờ nội lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền quốc tế là quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng việc nhà đầu tư nội địa tham gia mạnh mẽ hơn cũng là điểm mấu chốt để tạo nên sự phát triển bền vững.

Động lực chính đến từ khối nội

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thomas Hugger, Tổng giám đốc (CEO), đồng Giám đốc AFC Asia Frontier Fund và ông Ruchir Desai, đồng Giám đốc AFC Asia Frontier Fund cho rằng, từ nhịp hồi phục vào tháng 4 và tăng gần 5% trong tháng 6, áp lực chốt lời đã diễn ra, thị trường chứng kiến nhịp điều chỉnh diện rộng và đây là nhịp điều chỉnh cần thiết.

fig come hereMối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam là rất lớn và Chính phủ nên có động thái mạnh hơn trong việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia sâu hơn vào thị trường, nâng cao tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, giảm bớt các mức phí trung gianÔng Thomas Hugger, Tổng giám đốc AFC Asia Frontier Fund

Cả nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều muốn giảm bớt các tài sản rủi ro trước khi các kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm được công bố, cho dù nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong thời gian này.

Tháng qua, trong khi khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng, thì khối nội miệt mài mua vào, trở thành yếu tố chính giúp khối lượng giao dịch tăng cao. Từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 200 triệu USD cổ phiếu Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương khối lượng giao dịch hàng ngày tại 2 sàn chứng khoán và chỉ đạt hơn 0,1% vốn hóa thị trường.

Cần lưu ý rằng, trong giai đoạn thị trường xuống dốc 2008 và 2012, khối ngoại vẫn tích cực mua vào. Bởi vậy, bất kỳ sự chuyển hướng nào của dòng vốn nước ngoài đều phải được quan sát kỹ.

Hiện tại, theo AFC Vietnam Fund, dòng tiền quốc tế là quan trọng đối với thị trường Việt Nam, nhưng việc nhà đầu tư nội địa tham gia mạnh mẽ hơn cũng là điểm mấu chốt để tạo nên sự phát triển bền vững.

Trên thị trường toàn cầu, chứng khoán nhận trợ lực tốt từ các gói nới lỏng tiền tệ mà chính phủ nhiều quốc gia thực hiện để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Nhà đầu tư nội địa Việt Nam, hiện đang là động lực chính của thị trường, khó có thể bỏ lỡ cơ hội từ đà tăng trưởng hiện tại, trong khi nguồn tiền chi phí thấp giúp củng cố tâm lý, biểu hiện rõ ràng nhất là thanh khoản tăng đột biến kể từ tháng 5.

Triển vọng tăng trưởng tốt trong 3-5 năm tới

Sau 20 năm thành lập và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô vốn hóa. Cụ thể, từ việc chỉ có 10 công ty niêm yết từ những ngày đầu, nay đã tăng lên 1.600 công ty với giá trị vốn hóa hơn 170 tỷ USD.

AFC Vietnam Fund: Đã tới thời điểm chứng khoán Việt tăng nhờ nội lực ảnh 2

Tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường qua các năm.

“20 năm trước, đa phần người dân Việt Nam chưa có ý niệm gì về cổ phiếu và cách thức thị trường vận hành, thì nay đã có nhiều khác biệt. Bên cạnh đó, nhiều công ty đã lớn mạnh cùng với sự phát triển của thị trường, trở thành những ‘tay chơi’ trong khu vực cũng như trên thị trường quốc tế”, các nhà quản lý AFC Vietnam Fund cho biết.

Trong đề xuất về phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Thomas Hugger cho rằng, nên tách biệt một sàn giao dịch dành cho các cổ phiếu không chịu giới hạn sở hữu nước ngoài.

“Mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam là rất lớn và Chính phủ nên có động thái mạnh hơn trong việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia sâu hơn vào thị trường, nâng cao tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, giảm bớt các mức phí trung gian”, ông Thomas Hugger đề xuất.

Theo các nhà quản lý AFC Vietnam Fund, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tốt trong dài hạn với tầm nhìn 3-5 năm tới khi dần chuyển đổi thành trung tâm sản xuất của khu vực.

Sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tạo ra nhiều việc làm và nâng cao mức thu nhập, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng các lĩnh vực như ô tô, bán lẻ... Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp gia tăng hoạt động xuất khẩu, trong khi du lịch còn nhiều dư địa tăng trưởng sau khi đại dịch được kiểm soát.

Thực tế, Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng động trong 3 tháng, đời sống đã quay trở lại mức thường nhật và với nhiều người, Covid-19 đã trở thành câu chuyện quá khứ.

Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN ghi nhận số lượng ca nhiễm bệnh ít hơn nhiều so với phương Tây. Điều này khiến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung trở nên nổi bật hơn so với phần còn lại của thế giới.

Mặt khác, dù chỉ tăng trưởng 0,37% trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia chứng kiến kinh tế tăng trưởng. Theo góc nhìn của AFC Vietnam Fund, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo động lực lớn hơn nữa cho phát triển kinh tế.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 41,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang châu Âu, trong khi giá trị nhập khẩu từ khu vực này là 14,9 tỷ USD, giúp thặng dư thương mại đạt 26,6 tỷ USD. EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng 4,6%, xuất khẩu sang EU tăng 42,7% cho tới năm 2025.

AFC Vietnam Fund đã có màn biểu diễn tích cực kể từ khi thành lập tới nay với mức tăng trưởng hiệu suất đầu tư đạt 62%. Trung bình hiệu suất đầu tư hàng năm là 7,7%. Kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào giữa năm 2018, chỉ số VN-Index đã vật lộn tìm kiếm động lực tăng trưởng khi chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiện tại là đại dịch. Cùng với biến động thị trường, kể từ đầu năm tới nay, hiệu suất đầu tư của AFC Vietnam Fund là -9,45%, kém hơn so với màn biểu diễn của AFC Asia Frontier Fund đầu tư vào các thị trường cận biên.

Tin bài liên quan