ADB: Việt Nam có ít doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

(ĐTCK) Sáng nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2015 trong đó có Việt Nam.
ADB: Việt Nam có ít doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

ADO cho biết, mặc dù tình hình kinh tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, song cần tiếp tục có những cải cách về cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để nền kinh tế khai thác được tối đa tiềm năng tăng trưởng.

ADO 2015 dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng lên 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016, với giả định Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách tái cơ cấu.

Lạm phát hàng năm dự báo tăng 2,5% trong năm 2015, tăng nhanh hơn lên 4,0% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới tăng lên.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu: “Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn - đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ phần nào bị giảm sút do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ giá dầu thế giới thấp, làm tăng thu nhập khả dụng của người dân và giảm chi phí hoạt động kinh doanh”.

Báo cáo ADO nhận định, mặc dù tình hình kinh tế Việt Nam có cải thiện hơn, song một loạt các yếu tố mang tính cơ cấu tiếp tục ngăn cản Việt Nam phát huy được tối đa tiềm năng tăng trưởng của mình. Trong ngắn hạn, cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng và vạch ra chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề nợ xấu. Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy nhờ các luật mới hướng dẫn việc thoái vốn khỏi các DN nhà nước và tăng cường cổ phần hóa các DN này.

Tuy nhiên, nâng cao tốc độ tăng trưởng về lâu dài phụ thuộc vào khả năng cải cách cơ cấu sâu rộng hơn của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ cho các DN trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo cáo ADO cũng nhấn mạnh rằng chỉ có chỉ có 36% DN Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Để tăng cường năng lực cho các DNVVN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần nỗ lực tăng cường sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho DNVVN. Tăng cường tham vấn rộng rãi với khu vực tư nhân còn giúp xác định các vướng mắc hạn chế sự kết nối với mạng lưới sản xuất. Cần có các chiến lược cho từng ngành để hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp và tạo quy mô kinh tế”, ông Kimura nhấn mạnh.

Tin bài liên quan