ADB dự báo, lạm phát năm nay của Việt Nam ở mức 18,5% và giảm xuống 11% trong năm 2012 - Ảnh minh họa: internet

ADB dự báo, lạm phát năm nay của Việt Nam ở mức 18,5% và giảm xuống 11% trong năm 2012 - Ảnh minh họa: internet

ADB: Lạm phát tại Việt Nam giảm xuống 11% trong năm 2012

(ĐTCK-online) ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 từ 6,1% xuống 5,8% và sẽ tăng trở lại ở mức 6,5% trong năm 2012. Lạm phát của Việt Nam cũng được ADB dự báo vẫn duy trì ở mức cao 18,7%, sau đó sẽ giảm xuống mức 11% trong năm tới.

Đó là những dự báo đáng chú ý trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng 14/9 tại Hà Nội.

“Vẫn còn quá sớm để Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ bởi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức trên 20%”, báo cáo nhấn mạnh. Mặc dù ADB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, nhưng cũng đưa ra nhận xét rằng, thị trường vẫn đang nhận được những tín hiệu khác nhau về các chính sách tiền tệ và tài chính, điều này đang làm giảm hiệu quả của gói chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ADB, luồng vốn nước ngoài vào Việt nam đang chậm lại, trong khi lạm phát cao nhất trong khu vực, còn lượng dự trữ ngoại tệ lại thấp nhất trong khu vực.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên trước mắt, nhưng việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu nền kinh tế. Những cải cách này bao gồm việc giảm dần những nút thắt cổ chai trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công, và áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của nhà nước.

Ông Dominic Mellor, Chuyên gia về Kinh tế Việt Nam của ADB nhấn mạnh đến các rủi ro chính mà Việt Nam phải đối mặt. Thứ nhất là dấu hiệu của chính sách tiền tệ hỗn hợp; thứ hai là vị thế tài khóa không rõ ràng; khả năng dễ bị tổn thương của khu vực ngân hàng do gia tăng tín dụng quá lớn, đặc biệt tín dụng ngoại tệ trong ngắn hạn gia tăng nhanh chóng; thứ ba, khả năng dễ bị tổn thương của tiền Đồng; thứ tư, thị trường lương thực cứng nhắc; và thứ năm là môi trường bên ngoài yếu kém. Đặc biệt, chất lượng của các khoản tín dụng ngân hàng sụt giảm hiện vẫn đang là một rủi ro.

“Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh, sẽ tạo ra những áp lực đối với người vay và các ngân hàng. Chính phủ cần phải có những hành động cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho ngành tài chính”, ông Mellor nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam thực hiện kiên trì Nghị quyết 11 để kiềm chế lạm phát và góp phần làm giảm lãi suất; thứ hai, cần có những chính sách và yêu cầu chính sách rõ ràng, nhất quán và minh bạch hơn để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư; thứ ba, cần phải cân bằng giữa nỗ lực hỗ trợ ngân hàng và các doanh nghiệp với nhu cầu bảo vệ giá trị tiết kiệm thực của người gửi tiền; thứ tư, ưu tiên trước mắt là khôi phục sự bình ổn, nhưng cần thực hiện các cải cách cơ cấu, nhằm giải quyết nguyên nhân cốt lõi của lạm phát cao.