Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

ADB giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2020 còn 4,8%

(ĐTCK) Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm xuống mức 4,8% trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới công bố hôm nay.

Triển vọng kinh tế 

Theo ADB, sự lây lan của Covid-19 tạo ra sự giảm tốc đột ngột của nền kinh tế toàn cầu và làm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm xuống mức 4,8% trong năm 2020. Nếu các rủi ro do Covid-19 gia tăng, kinh tế có thể suy giảm mạnh hơn. 

Mặc dù vậy, các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì mạnh mẽ trong trung và dài hạn.

Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - tầng lớp trung lưu đang phát triển và khu vực tư nhân năng động, đáng chú ý là kinh tế hộ gia đình và các doanh nghiệp tư nhân trong nước - vẫn vững mạnh.  

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, theo ADB, là một trong những nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, quy mô của tầng lớp trung lưu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014 lên 33 triệu người, tức là một phần ba dân số của cả nước.

Tương tự, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Giải ngân đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% trong giai đoạn tháng 1 - 2 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 vì đây là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch Covid-19.

Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam, đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau Covid-19.

Việc Trung Quốc khống chế được Covid-19 và khả năng thị trường Trung Quốc có thể trở lại bình thường sẽ giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam.

Thách thức chính sách 

ADB nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trên chuỗi giá trị gia tăng từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp nhẹ và tiếp theo là sản xuất hàng điện tử.

Tổng kim ngạch thương mại của nền kinh tế đã cao gấp đôi GDP và Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một trung tâm quan trọng trong chuỗi giá trị ở Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử và phần cứng cho công nghệ thông tin và truyền thông. Trong năm 2019, xuất khẩu các mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông và điện tử ước tính đạt 91,0 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Việt Nam xếp thứ 42 trong số 129 quốc gia về Chỉ số Đổi mới sang tạo Toàn cầu 2019, kề vai với các nền kinh tế hàng đầu được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Bảng xếp hạng này phản ánh kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông cao.

Việt Nam có những lợi thế khác cho phép cải thiện hơn nữa về chỉ số này. Việt Nam có nền giáo dục tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng, dân số trẻ, lao động dồi dào và tín dụng phong phú, với tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng ước tính bằng 135% GDP trong năm 2019.

Tuy nhiên, ADB cho rằng, vẫn còn một số yếu tố kìm hãm sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. 

Thứ nhất, tổng chi tiêu của cả nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cả khu vực công lẫn khu vực tư, chỉ bằng 0,53% GDP trong năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức 1,44% GDP của Malaysia và 0,78% GDP của Thái Lan một năm trước đó, điều này cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam cần phải đẩy mạnh chi tiêu cho R&D.

Thứ hai, các trường đại học ở Việt Nam có thứ bậc xếp hạng thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình cao ở Đông Nam Á cả về chất lượng và số lượng, được đo lường bằng tỷ lệ sinh viên nhập học thô.

Mặc dù Việt Nam có ưu điểm hơn về số lượng sinh viên học đại học ở nước ngoài và hàng năm có 55.000 sinh viên trong nước ghi danh theo học các ngành công nghệ thông tin và truyền thông ở bậc đại học, nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp trong tương lai này có thể vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghệ thông tin và truyền thông đang phát triển nhanh chóng.

Đảm bảo sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ngày càng nhiều hơn và chất lượng cao hơn là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ. 

Thứ ba, trong khi khu vực tài chính tăng trưởng ổn định và các công nghệ fintech sáng tạo đang được áp dụng, khung pháp lý hiện hành không theo kịp sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ fintech. Một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng. 

Tin bài liên quan