Đầu tư công được ADB đánh giá là một trong những động lực giúp Việt Nam có được mức tăng trưởng trong năm nay

Đầu tư công được ADB đánh giá là một trong những động lực giúp Việt Nam có được mức tăng trưởng trong năm nay

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 đạt 2,3%

0:00 / 0:00
0:00

Ngân hàng phát triển châu Á nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 1,8% lên 2,3% trong năm 2020, nhờ đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi và thương mại gia tăng...

Theo phụ bản thường kỳ của báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 10/12, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh từ 0,4% trong quý II năm 2020 lên 2,6% trong quý III, nâng mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 lên 2,1%.

Do dó, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 của Việt Nam được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,3%. Trong khi dự báo tăng trưởng cho năm 2021 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 6,1%.

Trái với Việt Nam, trên bình diện khu vực, các chuyên gia của ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á vẫn chịu áp lực khi những đợt bùng phát Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn vẫn tiếp tục, nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Triển vọng tăng trưởng của tiểu vùng cho năm 2020 đã được điều chỉnh giảm từ âm 3,8% trong tháng 9 xuống còn âm 4,4%. Triển vọng trong năm 2021 cũng được điều chỉnh giảm, với kỳ vọng tăng trưởng 5,2% trong năm sau, so với mức dự báo 5,5% trong tháng 9.

Cũng theo báo cáo, hoạt động kinh tế ở khu vực châu Á đang phát triển được dự báo thu hẹp 0,4% trong năm nay, trước khi tăng trưởng tới 6,8% trong năm 2021 khi khu vực này phục hồi từ những tác động của đại dịch gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Dự báo tăng trưởng mới là sự cải thiện từ mức dự báo âm 0,7% đối với tăng trưởng GDP trong tháng 9, trong khi triển vọng của năm 2021 vẫn được giữ nguyên. Song các dự báo triển vọng trong vùng là rất khác nhau, với Đông Á được kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay trong khi các tiểu vùng khác tăng trưởng âm.

Ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho biết: “Triển vọng của châu Á đang phát triển đang cho thấy sự cải thiện. Đại dịch kéo dài vẫn là nguy cơ chủ yếu, song những tiến triển gần đây trong lĩnh vực vắc-xin đang làm dịu bớt nguy cơ này”. Theo ông ông Yasuyuki Sawada, việc cung cấp vắc-xin an toàn, hiệu quả và kịp thời ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ là yếu tố then chốt để hỗ trợ quá trình mở cửa lại các nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng trong vùng.

Việc phong tỏa và các hạn chế do đại dịch gây ra đã được giảm bớt với những mức độ khác nhau trong khu vực, trong đó xuất khẩu hàng hóa đã được khôi phục nhanh chóng từ mức sụt giảm đáng kể trong quý II. Hoạt động đi lại cũng đang trở lại mức như trước khi có đại dịch Covid-19 ở Đông Á và Thái Bình Dương, trong khi sự lây lan của Covid-19 phần lớn đã được kiềm chế hoặc ngăn chặn trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch nhiều khả năng vẫn bị trì hoãn.

Hầu hết các tiểu vùng của châu Á đang phát triển được dự báo giảm tăng trưởng trong năm 2020, ngoại trừ Đông Á, với mức dự báo tăng trưởng được cải thiện ở mức 1,6% trong năm 2020. Triển vọng tăng trưởng của khu vực này trong năm 2021 được duy trì ở mức 7%.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Nam Á được dự báo giảm 6,1% trong năm 2020, có sự điều chỉnh nhẹ so với mức giảm 6,8% được dự báo trong tháng 9. Tăng trưởng ở Nam Á được kỳ vọng khôi phục ở mức 7,2% trong năm 2021.

Triển vọng cho Thái Bình Dương không thay đổi cho cả năm 2020 và 2021, ở mức tương ứng là âm 6,1% và 1,3. Triển vọng tăng trưởng của Trung Á cho năm 2020 vẫn là âm 2,1%, song triển vọng cho năm 2021 được điều chỉnh giảm nhẹ, từ mức dự báo 3,9% hồi tháng 9 xuống còn 3,8%.

Lạm phát trong khu vực được kỳ vọng giảm nhẹ còn 2,8% trong năm 2020, so mức dự báo 2,9% hồi tháng 9, do nhu cầu bị kiềm chế và giá dầu giảm. Lạm phát của năm 2021 được dự báo ở mức 1,9%, giảm so mức dự báo 2,3% trong tháng 9. Giá dầu vẫn được giữ ở mức 42,5 USD/thùng trong năm 2020, trước khi tăng lên tới 50 USD/thùng trong năm 2021.

Tin bài liên quan