Ảnh Internet

Ảnh Internet

ADB dành 31,6 tỷ USD trong năm 2020 để hỗ trợ châu Á và Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là mức cam kết kỷ lục của ADB dành cho khu vực nhằm nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch vi-rút corona (COVID-19), hỗ trợ công cuộc phục hồi xanh và bền vững sau đại dịch, cũng như giải quyết những thách thức phát triển dài hạn hơn.

Báo cáo thường niên 2020 của ADB vừa được công bố, khẳng định những kết quả hoạt động và tài chính của ngân hàng trong năm 2020 khi hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển đi qua một năm đầy những thách thức khó lường.

Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa chia sẻ: “Hỗ trợ của ADB đang giúp củng cố các hệ thống chăm sóc y tế, bảo vệ các nhóm dễ tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, và tạo ra cơ sở cho việc phục hồi. Trong thời gian tới, khi chúng tôi hỗ trợ khu vực này trong công cuộc phục hồi từ đại dịch, chúng tôi sẽ bảo đảm rằng các quốc gia thành viên đang phát triển tái thiết theo cách thức thông minh và bền vững”.

Khoản vốn cam kết trị giá 31,6 tỷ USD từ nguồn vốn của ngân hàng trong năm 2020 cao hơn 32% so với mức 24 tỷ USD của năm 2019. Con số này bao gồm vốn vay và bảo lãnh - gồm tài trợ thương mại ngắn hạn, tài trợ chuỗi cung ứng, và tài chính vi mô - viện trợ không hoàn lại, đầu tư cổ phần và hỗ trợ kỹ thuật, cả cho các chính phủ và khu vực tư nhân.

Chỉ hơn một nửa trong tổng số vốn cam kết năm 2020 của ADB, tương đương 16,1 tỷ USD, được dành cho ứng phó đại dịch; phần còn lại là giúp các quốc gia thành viên đang phát triển giải quyết chương trình nghị sự phát triển dài hạn, ví dụ như thúc đẩy bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, và đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Khoản ứng phó đại dịch trị giá 16,1 tỷ USD của ADB trong năm 2020, thông qua gói hỗ trợ 20 tỷ USD được công bố tháng 4/2020, đã được cung cấp theo nhiều hình thức, nổi bật nhất là thông qua Giải pháp Ứng phó đại dịch COVID-19 mới, theo đó cung cấp hỗ trợ tài chính giải ngân nhanh cho 26 quốc gia tính tới cuối năm 2020. Trong số 16,1 tỷ USD, có 2,9 tỷ USD là dành cho khu vực tư nhân, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho các công ty cũng như thông qua tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng để duy trì hoạt động của các mạng lưới thương mại.

Trong tháng 12/2020, ADB cũng công bố quỹ hỗ trợ 9 tỷ USD để hỗ trợ tiếp cận vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, cũng như cung cấp vắc-xin một cách công bằng và hiệu quả.

Trong khi cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và phù hợp cho các quốc gia thành viên đang phát triển để giúp đáp ứng các nhu cầu đặc biệt do đại dịch, ADB cũng duy trì trọng tâm vào các mục tiêu trong chiến lược dài hạn của ngân hàng - Chiến lược 2030 - nhằm giải quyết những thách thức phát triển cốt lõi. Ví dụ, ADB vẫn đang đi đúng tiến độ để đạt được mục tiêu tới năm 2030 là thúc đẩy bình đẳng giới trong ít nhất 75% các hoạt động của ngân hàng tính theo số hoạt động.

Để cấp vốn cho các cam kết kỷ lục này, ADB đã triển khai chương trình vay lớn nhất trong lịch sử - thu hút 35,8 tỷ USD, thông qua trái phiếu bằng đồng nội tệ và các trái phiếu xanh, trái phiếu giới, trái phiếu y tế và trái phiếu nước. ADB cũng huy động số vốn đồng tài trợ kỷ lục là 16,4 tỷ USD, bao gồm 10,8 tỷ USD cho ứng phó COVID-19, từ các tổ chức quốc tế tương đương và các thể chế tài trợ tư nhân.

Để hỗ trợ việc hoạch định chính sách có đủ thông tin, ADB đã nhanh chóng tạo thuận lợi cho việc chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các thành viên và tăng tốc mạng lưới phân tích của mình. ADB đã đưa ra những nguồn tri thức quan trọng như một công cụ lập bản đồ chuỗi cung ứng để giúp khai thông việc cung cấp trang thiết bị y tế và một cơ sở dữ liệu chính sách COVID-19 để hỗ trợ đánh giá tác động và học hỏi kinh nghiệm, gồm cả về các sáng kiến phục hồi xanh.

Bên cạnh các dữ liệu tài chính và hoạt động, Báo cáo thường niên 2020 cũng trình bày bối cảnh về tổ chức đã giúp ADB hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia thành viên đang phát triển trong năm 2020 và thích nghi với môi trường làm việc mới.

Báo cáo thường niên 2020 của ADB được ấn hành toàn bộ trên nền tảng kĩ thuật số và cũng có sẵn ở định dạng số hóa sử dụng trên điện thoại di động, chứa đựng các nội dung đa phương tiện phong phú.

ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Tin bài liên quan