Báo cáo Tổng hợp Kinh tế châu Á 2019/2020 (AEIR): Thay đổi nhân khẩu học, năng suất và vai trò của công nghệ, đã xem xét tiến triển của châu Á và Thái Bình Dương trong hợp tác và hội nhập khu vực. Báo cáo dành một chương đặc biệt để bàn về vai trò và tiềm năng của công nghệ trong việc thúc đẩy năng suất của các nền kinh tế đang già hóa.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định: “Xu hướng già hóa là không thể đảo ngược tại phần lớn khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhưng các chính phủ có thể biến điều này thành một khoản “lợi tức bạc”. Ngày nay, người cao tuổi có trình độ học vấn cao hơn và khỏe mạnh hơn so với trong quá khứ. Những chính sách đúng đắn về công nghệ có thể mở rộng thời gian làm việc, tạo ra sự đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung.”
Tuổi thọ trung bình đã tăng gần 7 năm, từ 57,2 lên tới 63,8 tuổi trong giai đoạn từ năm 1990 tới 2017 tại các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương. Số năm học tập trung bình của nhóm người cao tuổi, từ 55 tới 64 tuổi, cũng đã tăng từ 4,6 vào năm 1990 tới 7,8 vào năm 2015.
Báo cáo cũng chỉ ra, cần triển khai những biện pháp chính xác tùy thuộc vào điều kiện già hóa và giáo dục cụ thể của từng quốc gia, nhưng nhìn chung có bốn loại hình sau: già hóa nhanh hay chậm, và trình độ học vấn trên hoặc dưới mức trung bình.
Những quốc gia có tỷ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn cung lao động thấp đối với công việc thường nhật, trong khi các quốc gia có tốc độ lão hóa chậm và trình độ học vấn dưới mức trung bình có thể ưu tiên những ứng dụng công nghệ trong giáo dục để giúp dân số trẻ hơn tiếp cận giáo dục chất lượng cao.
“Xu hướng già hóa là không thể đảo ngược tại phần lớn khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhưng các chính phủ có thể biến điều này thành một khoản “lợi tức bạc”
Bất kể các điều kiện lão hóa và học vấn ra sao, báo cáo kêu gọi tư duy lại về giáo dục, đào tạo kỹ năng bao gồm việc học tập suốt đời cũng như ứng dụng các công nghệ, phương pháp giúp công việc và môi trường làm việc trở nên phù hợp hơn với người lao động cao tuổi.
Bên cạnh đó, thị trường lao động, an sinh xã hội và cải cách hệ thống thuế cũng sẽ khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc.
Cuối cùng, những chính sách tạo thuận lợi cho việc di chuyển dòng vốn, lao động và công nghệ qua các biên giới sẽ hữu ích để giúp những quốc gia ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và ứng dụng công nghệ đối phó với vấn đề này.
Báo cáo lưu ý rằng, hợp tác kinh tế khu vực vẫn được duy trì mạnh mẽ ở châu Á và Thái Bình Dương, tạo ra vùng đệm chống đỡ những tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu. Chỉ số Hợp tác và Hội nhập khu vực hâu Á - Thái Binh Dương mới nhất, dựa trên số liệu năm 2017, cho thấy cơ sở hạ tầng và kết nối là lợi thế lớn nhất, nhưng hội nhập khu vực tổng thể lại giảm sút do sự sụt giảm trong chỉ tiêu tiền tệ và tài chính.
Đông Á và Đông Nam Á là những tiểu vùng hội nhập nhiều nhất với châu Á nói chung, trong khi Trung Á và Nam Á thấp hơn mức trung bình của khu vực.
Thương mại của châu Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa trong năm 2019, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Tỉ lệ thương mại nội vùng của khu vực tính theo giá trị vẫn duy trì ở mức cao là 57,5% thương mại toàn cầu năm 2018, tăng hơn so với mức trung bình 56,3% của giai đoạn từ 2012 tới 2017. Dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á và từ châu Á ra bên ngoài cũng tăng trong năm 2018, trong khi dòng kiều hối đạt mức kỷ lục là 302,1 tỉ USD trong năm ngoái.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Trong năm 2018, ADB đã hỗ trợ các khoản vay và viện trợ mới trị giá 21,6 tỉ USD. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.