Ảnh Internet

Ảnh Internet

ADB: Các nước châu Á phải có chính sách giúp tăng cường sức khỏe người dân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những chính sách thúc đẩy và hỗ trợ y tế và sức khỏe toàn diện là then chốt đối với công cuộc phục hồi sau đại dịch gây ra bởi COVID-19 ở châu Á và Thái Bình Dương.

Nhận định trên được đưa ra trong chương chủ đề của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay (15/9).

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, chia sẻ: “Thể trạng lành mạnh liên quan tới việc theo đuổi những hoạt động đem lại sức khỏe toàn diện, hạnh phúc và an toàn.

Đại dịch đã có những tác động tiêu cực đáng kể tới sức khỏe thể chất và tâm thần, nên các chính phủ cần tích hợp những chính sách tăng cường sức khỏe trong các kế hoạch phục hồi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho cả các cá nhân và xã hội”.

Báo cáo xác định một tập hợp các biện pháp tăng cường sức khỏe trong một loạt lĩnh vực chính sách, bao gồm môi trường được xây dựng có lợi cho sức khỏe, cơ sở hạ tầng công cộng cho hoạt động thể chất giải trí, chế độ ăn và dinh dưỡng lành mạnh, và một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

Báo cáo xem xét cách thức các biện pháp trong những lĩnh vực này có thể góp phần vào sự phục hồi của khu vực sau đại dịch và nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận tăng cường sức khỏe trong cả vòng đời, nhằm bảo đảm sức khỏe thể chất và tâm thần trong dài hạn.

Theo ADB, các chính phủ trong khu vực có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng công cộng giúp tăng cường sức khỏe, bao gồm đường đi bộ, làn dành cho xe đạp, các trung tâm giải trí, và cơ sở vật chất thể thao miễn phí.

Điều này sẽ giúp tăng số lượng người muốn tham gia các hoạt động thể chất giải trí một cách thường xuyên - hiện ở mức 33,2% - giúp họ khỏe mạnh hơn.

Cơ sở hạ tầng công cộng và các chương trình tăng cường sức khỏe là đặc biệt quan trọng cho người dân nghèo châu Á, những người thường không có khả năng tiếp cận cơ sở vật chất tăng cường sức khỏe của tư nhân, ví dụ như các trung tâm thể hình.

ADB cũng cho rằng, Chính phủ cũng cần khuyến khích ẩm thực lành mạnh bằng cách cải thiện thông tin và nhận thức của người dùng về chế độ ăn và dinh dưỡng.

Ví dụ, một số chính phủ trong khu vực đã áp dụng mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm đồ uống có đường và thuốc lá, kết hợp với các quy định về công bố thông tin dinh dưỡng đối với những sản phẩm đồ ăn thức uống, cũng như các chiến dịch nâng cao nhận thức cho công chúng.

Điều này là quan trọng trong bối cảnh chi phí y tế trực tiếp hàng năm do béo phì được ước tính chiếm 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Theo đuổi chính sách bảo hiểm y tế toàn dân có thể tăng cường lợi ích của sức khỏe đối với toàn bộ người dân châu Á.

Cuối cùng, các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương cần nỗ lực để bảo đảm môi trường làm việc an toàn và lành mạnh về thể chất cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19. Năm 2018, ước tính toàn thế giới có 2,3 triệu người chết do các tai nạn và bệnh tật liên quan tới công việc, trong đó khu vực này chiếm hơn hai phần ba.

Báo cáo lưu ý rằng, tình trạng hạnh phúc của người lao động có thể được cải thiện 0,15 đơn vị (trên thang đo từ 1 tới 10) nếu chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nơi công sở bình quân đầu người tăng gấp đôi, từ 11 USD trung bình toàn cầu lên tới 22 USD - yếu tố có thể dẫn tới tăng năng suất và sản lượng.

Báo cáo nhấn mạnh: Sức khỏe là một phần quan trọng trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, làm nổi bật vai trò tiềm tàng của nó trong các nỗ lực phục hồi hậu COVID-19.

Các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 5% tổng GDP toàn cầu, tương đương 4,5 nghìn tỉ USD trong năm 2018, và khoảng 11% GDP của châu Á đang phát triển trong năm 2017 - và con số này đang tăng khoảng 10% mỗi năm.

Ví dụ, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe đã tạo việc làm cho 3,74 triệu người ở Ấn Độ, 1,78 triệu người ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và 530.000 người ở Thái Lan trong năm 2017.

Tin bài liên quan