Gần đây, chỉ có những đợt thoái vốn nhỏ được thực hiện, như VNPT thoái vốn tại Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.

Gần đây, chỉ có những đợt thoái vốn nhỏ được thực hiện, như VNPT thoái vốn tại Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.

Ách tắc thoái vốn nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư đã đặt cọc mua cả lô cổ phần của SCIC tại Vocarimex nhưng đến phút chót nhận được thông báo phiên đấu giá bị hủy. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy thực tế hoạt động thoái vốn nhà nước đang bị ách tắc.

Lãng phí công sức và lãng phí cơ hội

Trước Tết Tân Sửu, các nhà đầu tư đặt cọc mua cả lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) ngỡ rằng thương vụ sẽ thành công, nào đâu đến phút chót nhận thông báo phiên đấu giá bán cổ phần bị hủy.

Lý do là cơ quan chức năng chưa có văn bản hướng dẫn việc tiếp tục triển khai bán cổ phần của SCIC tại Vocarimex sau khi Nghị định số 140/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 30/11/2020.

Như vậy, thoái vốn tại Vocarimex quá tam ba bận không thành công. Hồi quý III/2019 và tháng 10/2020, SCIC đã đưa số cổ phần Vocarimex ra chào bán với giá khởi điểm lần lượt là 22.300 đồng/cổ phiếu và 22.690 đồng/cổ phiếu, nhưng cả 2 lần đều phải huỷ vì không có nhà đầu tư tham gia.

Đến lần thứ ba, mức giá khởi điểm là 18.540 đồng/cổ phiếu và có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá gồm ông Trần Hoàng Nam, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM và Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO Group).

Theo công bố, ông Trần Hoàng Nam chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu Vocarimex nào, trong khi đó, KIDO Group nắm giữ hơn 62 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ Vocarimex. Ước tính, Nhà nước sẽ thu về gần 1.000 tỷ đồng từ phiên đấu giá. Vậy nhưng, phiên đấu giá lại bị hủy.

Nguyên do tắc thoái vốn nhà nước là Nghị định 140/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành (30/11/2020), trong khi các văn bản hướng dẫn chưa có, nên các Sở giao dịch chứng khoán từ chối thực hiện các đợt bán đấu giá cổ phần.

Hiện tại, các Sở giao dịch chứng khoán từ chối thực hiện các đợt bán đấu giá cổ phần do thiếu văn bản hướng dẫn.

Tại SCIC, có ít nhất 6 đợt thoái vốn khác đã thực hiện đến các bước cuối cùng cũng phải dừng lại. Tính cả các đợt thoái vốn lớn tại các bộ, ngành, theo ước tính của giới chuyên môn, số đợt đấu giá bị trì hoãn lên tới vài chục.

Nếu Nghị định 140/2020/NĐ-CP sớm có văn bản hướng dẫn, rất có thể Nhà nước đã thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ thoái vốn, chớp cơ hội từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, công sức của các đơn vị triển khai các thủ tục định giá, thoái vốn nhà nước sẽ không bị trôi sông, trôi biển.

Số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính công bố gần đây cho thấy, chỉ có những đợt thoái vốn tí hon (quy mô dưới 10 tỷ đồng, bán qua các đại lý đấu giá, công ty chứng khoán, hoặc bán khớp lệnh, thỏa thuận trên sàn) được thực hiện. Cụ thể, trong tháng 2/2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn thoái thành công của các doanh nghiệp là 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn có giá trị 8 tỷ đồng, thu về 23,6 tỷ đồng.

Về thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, có 8 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với tổng giá trị vốn thoái là 233,5 tỷ đồng, thu về 2.080,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng, theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước.

Một chuyên gia cho biết, khi dự thảo cuối cùng của Nghị định 140/2020/NĐ-CP được đệ trình, ông đã góp ý về bất cập từ việc Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành nếu không có văn bản hướng dẫn kịp thời tới Bộ Tài chính, nhưng nhận được câu trả lời rằng, không lo, các đợt thoái vốn nào đã có định giá thì cứ làm tiếp.

Song khi Nghị định được ban hành, các bên liên quan đều không dám làm trái với các quy định mới và yêu cầu phải trình lên Thủ tướng, nên các đợt thoái vốn nhà nước đều phải tạm dừng.

Cờ trong tay Bộ Tài chính

Ghi nhận từ giới chuyên môn, hiện tại có 2 vướng mắc lớn trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước. Thứ nhất là việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thứ hai là quy chế mẫu bán đấu giá công khai (thông thường/theo lô/theo lô cổ phần kèm nợ phải thu) và chào bán cạnh tranh (thông thường/theo lô/theo lô cổ phần kèm nợ phải thu) để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Vướng mắc trong xác định giá trị thương hiệu đã phát sinh từ lâu. Trước đây, Nghị định 32/2018/NĐ-CP làm gọn bằng cách tính theo hệ số K (1%) giá trị doanh nghiệp. Nhưng nay, Bộ Tài chính dự kiến hướng dẫn các bên làm theo tiêu chuẩn Thẩm định giá, nhưng trong Tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam chưa có nội dung này. Vì thế, các bên liên quan đang chờ Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính dự thảo tiêu chuẩn trên.

Đáng chú ý, những ngày đầu tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu bảo đảm việc thi hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP được kịp thời, không phát sinh vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương hướng dẫn các nội dung được giao tương ứng tại Khoản 15, Điều 2 (hướng dẫn việc xác định giá trị thương hiệu, bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn) và tại Khoản 15, Điều 1 (hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa) của Nghị định 140/2020/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 1/2021.

Đồng thời, Bộ Tài chính được yêu cầu rà soát toàn bộ các nội dung khác (nếu có) cần hướng dẫn thi hành theo quy định tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP để đôn đốc và giám sát các bộ, cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ tại Nghị định khẩn trương hướng dẫn thi hành.

Vậy nhưng, tính đến cuối tuần qua (12/3/2021) vẫn chưa thấy dự thảo của các văn bản hướng dẫn.

Cuối tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, số lượng doanh do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 là 120.

Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Bộ Xây dựng).

Tuy nhiên, các bên vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn Nghị định 140/2020/NĐ-CP để thực hiện. Vậy là, nghị định này được ban hành với những quy định mới, kỳ vọng tháo gỡ bất cập của các quy định trước đây, nhưng do việc xây dựng văn bản hướng dẫn kéo dài mà các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa bị ách lại, không thể triển khai.

Tin bài liên quan