Ách tắc thị trường liên ngân hàng?

Ách tắc thị trường liên ngân hàng?

(ĐTCK) Bản tin lãi suất tuần thứ ba tháng 11 của Nhóm Nghiên cứu thị trường vốn và tiền tệ của BIDV cho biết, thị trường VND liên ngân hàng tiếp tục trầm lắng.

Ách tắc thị trường liên ngân hàng? ảnh 1

NHNN đang lập lại trật tự và kỷ cương trên thị trường liên ngân hàng

 

Cung không biến động nhiều, cầu duy trì thấp. Đó chính là lý do khiến lãi suất mất thêm 0,25 - 1,00 điểm phần trăm, giảm mạnh hơn ở các kỳ hạn ngắn, về quanh mức 1,5 - 2,5%/năm đối với kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần, 4 - 6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 2 tuần đến 1 tháng. Doanh số giao dịch bình quân ước tiếp tục thấp, xoay quanh mức 9.960 tỷ đồng/ngày.

Trước yêu cầu khá chặt chẽ của Thông tư 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, một số ngân hàng chưa xây dựng được hợp đồng khung đã tạm thời ngừng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và chỉ tham gia đấu thầu tín phiếu, khiến lượng cung VND trên thị trường liên ngân hàng sụt giảm. Tuy nhiên, nhu cầu nhận nguồn vẫn rất thấp do tăng trưởng huy động vốn vượt trội so với tăng trưởng tín dụng, giúp thanh khoản trên thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức) được đảm bảo và giảm đáng kể áp lực đối với thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng). Do vậy, thị trường giao dịch khá bình lặng, lãi suất giảm.

Theo Nhóm Nghiên cứu thị trường vốn và tiền tệ của BIDV, nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục hút mạnh VND qua kênh phát hành tín phiếu do nguồn cung VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất dồi dào. Nhu cầu  VND trên thị trường liên ngân hàng cũng chưa có tín hiệu được cải thiện. Như vậy, cung sẽ tiếp tục lớn hơn cầu và khiến lãi suất ổn định ở mức thấp, xoay quanh 1,5 - 2%/năm đối với kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần, 2 - 3%/năm cho kỳ hạn 2 tuần, 4 - 4,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, có vẻ như có một sự ngần ngại cho vay trên thị trường liên ngân hàng liên quan đến sức khỏe của một số ngân hàng đi vay. Điều này phần nào cho thấy sự không lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam . Một điều cần lưu ý là ngân hàng cho vay chưa biết phân loại rủi ro cho các khoản cho vay liên ngân hàng như thế nào, dẫn đến chưa muốn cho vay nhiều. Ở nhiều nước trên thế giới, cho vay liên ngân hàng được xem là một trong những tài sản an toàn nhất.

Trên thực tế, chức năng của hệ thống liên ngân hàng là trợ giúp thanh khoản cho các ngân hàng nào tạm thời thiếu hụt trong thời gian rất ngắn. Thế nhưng, thị trường liên ngân hàng của Việt Nam lại được sử dụng như là một nguồn cung cấp vốn để các ngân hàng cho vay đối với nền kinh tế. Đây là thực trạng rất nguy hiểm. Do vậy, việc lập lại trật tự là quan trọng. Thị trường liên ngân hàng phải vận hành đúng chức năng hỗ trợ thanh khoản chứ không phải là nguồn cung cấp vốn, đồng thời là nơi sử dụng vốn. Vay và cho vay, tiền gửi và cho vay trên thị trường 1 cần tách bạch khỏi thị trường 2.

“Nguồn vốn thị trường 2 không phải để đi vào sản xuất kinh doanh mà chỉ là nguồn cung cấp chất bổ dưỡng cho hệ thống lưu thông”, TS. Hiếu nói.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối VIB chia sẻ, theo thông lệ quốc tế, việc chuyển hoạt động gửi tiền và nhận tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng thành quan hệ vay và cho vay là hoàn toàn hợp lý. Do vậy, Thông tư 21 hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, bình thông vốn giữa thị trường 1 và 2 không còn, do các ngân hàng yếu kém mặc nhiên bị loại ra khỏi cuộc chơi. Bên cạnh đó, mặc dù việc áp dụng trích lập dự phòng chung đối với các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là trái thông lệ quốc tế, song theo ông Trung, đây là điều phù hợp với Việt Nam .

“Thị trường ngân hàng Việt Nam còn quá nhỏ, ngân hàng nọ biết ngân hàng kia, nên hoạt động có phần dễ dãi. Từ năm 2011, hàng loạt ngân hàng nhỏ không trả được tiền vay liên ngân hàng, buộc NHNN phải siết lại hoạt động này”, ông Trung nói.

Bên cạnh đó, hoạt động trên thị trường liên ngân hàng còn liên quan đến khẩu vị rủi ro của các ngân hàng. Với những ngân hàng có độ rủi ro cao quá, việc phải có tài sản thế chấp và phải vay với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Còn nếu không, họ phải ra thị trường 1 để huy động.

“Việc NHNN siết lại kỷ cương là đúng, song cần tạo một cơ chế cấp thanh khoản để hỗ trợ các ngân hàng nhỏ. Đồng thời, NHNN nên cân nhắc bỏ trần lãi suất. Tuy nhiên, để xử lý tận gốc vấn đề, Nhà nước cần đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, song song với các chương trình tái cơ cấu khác”, ông Trung cho biết thêm.