Ông Nguyễn Ngọc Tâm

Ông Nguyễn Ngọc Tâm

Ách tắc gói 30.000 tỷ đồng, góc nhìn từ ngân hàng

(ĐTCK) Xung quanh việc giải ngân chậm gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Ông có thể cho biết thực tế triển khai gói 30.000 tỷ đồng tại MHB đến thời điểm này?

Trong nhiều năm qua, MHB đã tập trung nguồn vốn đáng kể để cho vay đối với những cá nhân mua hoặc xây dựng/sửa chữa nhà ở và tài trợ cho các DN đầu tư các dự án nhà ở cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay lĩnh vực nhà ở của MHB đã đạt hơn 4.100 tỷ đồng.

Thực hiện Thông tư 07 của Bộ Xây dựng và Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, đến nay, MHB đã ký cam kết cho vay đối với 63 khách hàng cá nhân với tổng số tiền cho vay là 17,272 tỷ đồng; đã giải ngân được 5,085 tỷ đồng.

Đối với khách hàng DN, hiện 9 DN đang đề nghị vay đầu tư dự án nhà ở xã hội, tổng số tiền mà các DN đề nghị vay khoảng 850 tỷ đồng. Trong đó, có 4 DN đã được Bộ Xây dựng phê duyệt và đang hoàn thiện hồ sơ dự toán dự án để MHB thẩm định và đăng ký khoản vay với NHNN; 5 DN khác đang trong quá trinh hoàn thiện hồ sơ trinh các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Ngoài ra, trong năm qua, MHB đã tổ chức làm việc trực tiếp với lãnh đạo nhiều tỉnh, thành và nhận được sự ủng hộ cao với đề xuất về mô hinh triển khai đầu tư phát triển nhà ở.

Như vậy, lượng giải ngân theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà MHB là một trong năm ngân hàng được chỉ định vẫn rất chậm. Theo ông, đâu là các vướng mắc?

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân làm cho việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chậm. Trước hết do nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay còn rất hạn chế. Các dự án nhà ở xã hội mới bắt đầu xây dựng, trong khi các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng lại chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý nên chưa mở bán nhà cho người dân.

Hơn nữa, các quy định về vấn đề pháp lý còn nhiều vướng mắc, ngoài thẩm quyền xử lý của ngành ngân hàng. Chẳng hạn như việc phòng công chứng từ chối công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, vi tài sản này chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Đối với trường hợp khách hàng mua nhà thấp tầng (bao gồm cả nhà và đất) thì thủ tục lại càng phức tạp hơn, vi theo quy định tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, quyền sử dụng đất không được coi như là tài sản hình thành trong tương lai, như vậy trường hợp mua cả nhà và đất thi sẽ không công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai được.

 

Năm 2014, MHB có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng không? Giải pháp là gì?

Bên cạnh những giải pháp mở rộng tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho MHB năm 2014, MHB sẽ tập trung hỗ trợ cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời tiếp tục tích cực triển khai cho vay nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với lĩnh vực cho vay cá nhân mua nhà ở, vốn là thế mạnh và luôn được MHB chú trọng, sang năm 2014, khi nguồn cung nhà ở xã hội khả quan hơn, NHNN hỗ trợ lãi suất cho vay thấp đối với người mua nhà, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ/ngành và cơ quan chức năng tại các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (như xác nhận về thực trạng nhà ở, thu nhập), MHB sẽ tăng cường làm việc với các địa phương để triển khai mô hinh đầu tư nhà ở.

Cụ thể, MHB xác định đối tượng trung tâm của việc đầu tư phát triển nhà ở là người có nhu cầu cấp bách mua nhà. Hai là, việc đầu tư phải chú trọng vào phân loại nhà phù hợp với nhu cầu, điều kiện và khả năng tài chính của người mua tại từng địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc công bố thông tin và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên: Nhà nước - Nhà đầu tư (DN kinh doanh nhà) - Người mua - Ngân hàng, đảm bảo việc thực thi trong quá trinh đầu tư, khai thác sử dụng (kể cả quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan).

Bên cạnh đó, thông qua mạng lưới chi nhánh và điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc, MHB hướng dẫn thủ tục cho khách hàng vay vốn, giúp người dân có nhu cầu tiếp cận nhanh và thuận lợi hơn với các gói tín dụng, sớm mua được nhà ở, ổn định cuộc sống.

 

Dự đoán thị trường bất động sản khởi sắc trong năm 2014, kế hoạch tăng trưởng dư nợ của MHB vào ngành này ra sao, thưa ông?

Năm 2013 qua đi với nhiều biến động của thị trường bất động sản, từ những tác động của chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường, xử lý nợ xấu, giảm lượng tồn kho…, cho tới những quyết sách tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của các DN bất động sản. Thực tế, thị trường trong một vài tháng cuối năm cho thấy sức cầu tăng dần, tuy nhiên sản phẩm có thanh khoản tốt nhất vẫn thuộc về phân khúc căn hộ binh dân, những dự án căn hộ đang trong giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao nhà.

Việc dự đoán thị trường bất động sản trong năm 2014 cũng có nhiều nhận định khác nhau, nhưng nhin dưới góc độ kinh doanh, thị trường bất động sản là một lĩnh vực rộng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động.

Đối với MHB, mục tiêu trong hoạt động kinh doanh ngay từ những ngày đầu là chọn cho minh một phân khúc khách hàng riêng, những khách hàng có nhu cầu nhà ở thực sự và giá trị căn hộ phù hợp với nhu cầu, túi tiền của người dân để triển khai tài trợ cho vay.

>> Phải quyết liệt giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

>> TP. HCM tắc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

>> Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng… nới nhầm