Nhìn chung, các hoạt động kinh doanh của ACB trong quý III/2021 đều cho kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, thu lãi thuần từ hoạt động chính đem về cho Ngân hàng 4.520 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 29%, đạt gần 636 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kỳ này ACB thu đậm từ chứng khoán kinh doanh gấp 10,7 lần, thu về 183 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng gấp 2,4 lần đạt 92 tỷ đồng.
Còn hoạt động kinh doanh ngoại hối của ACB trong quý này chỉ tăng nhẹ 7% so cùng kỳ, thu về gần 206 tỷ đồng; lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác giảm 62%.
Đồng thời, ACB dành hơn 820 tỷ đồng để trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III/2021, gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Do đó, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 25% so cùng kỳ, đạt 3.436 tỷ đồng, nhưng ACB chỉ lãi trước thuế hơn 2.591 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB tăng 66% so với cùng kỳ, đạt hơn 11.780 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 67%, đạt gần 2.147 tỷ đồng; thu từ chứng khoán kinh doanh gấp gần 4 lần so cùng kỳ, thu về 388,64 tỷ đồng.
Còn lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ ghi nhận 186,65 tỷ đồng (tương đương mức giảm 73%) so cùng kỳ lãi gần 700 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 tăng 30% so cùng kỳ, thu về trên 633 tỷ đồng; lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác giảm 70% so cùng kỳ, chỉ lãi hơn 70 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 11.780 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ.
Chi phí hoạt động của ACB trong 3 quý đầu năm nay chỉ tăng 1% so cùng kỳ, với hơn 5.812 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ACB phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.812 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, gấp 4 lần so cùng kỳ. Kết quả, ACB báo lãi trước và sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 8.968 tỷ đồng và 7.174 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận ACB đưa ra cho năm 2021 ở mức 10.602 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, ACB đã thực hiện được 85% chỉ tiêu sau 9 tháng đầu năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của ACB tăng 8% so với đầu năm, lên mức 479.309 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gấp 2 lần đầu năm, đạt 33.532 tỷ đồng; cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 32%, còn 5.707 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của ACB chững lại trong 9 tháng đầu năm nay khi chỉ tăng 8% đạt 336.491 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành tính đến tháng đầu tháng 10 là 7,42%.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, nếu so với quý II/2021 thì ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong quý III ở mức -3,2%. Trước đó, kết thúc quý II/2021, ACB cho biết, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,7% lên 341.667 tỷ đồng.
Còn về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng của ACB đến hết quý III/2021 cũng chỉ 4% so với đầu năm nay, đạt 365.770 tỷ đồng. Tiền vay các tổ chức tín dụng khác giảm 46%, còn 4.733 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh 47%, lên mức 32.469 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng mạnh.
Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9 là gần 2.800 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.
Theo thông tin công bố mới nhất, Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB đã nhất trí gia hạn thời gian bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn làm Tổng giám đốc đến hết ngày 28/02/2022 cho đến khi ông Từ Tiến Phát - Phó tổng giám đốc Ngân hàng lên thay.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ACB kết phiên ngày 25/10 đạt mức 31.250 đồng/cổ phiếu.