ABBANK: Chủ động tái cấu trúc để làm mới mình

ABBANK: Chủ động tái cấu trúc để làm mới mình

(ĐTCK) Douglas Coulter, Giáo sư toàn cầu về quản trị kinh doanh, giảng viên Đại học Harvard trong chuyến công du Việt Nam mới đây cho biết, trên thế giới chỉ có 2 con đường tái cấu trúc là chủ động và thụ động.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ chọn tái cấu trúc khi khó khăn ập đến, một số DN đã tiên phong chọn cách chủ động đón bão để nâng cao sức khỏe của mình. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) chọn cách thứ hai và đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc.

ABBANK: Chủ động tái cấu trúc để làm mới mình ảnh 1

Chủ động thay đổi

Trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn, các ngân hàng đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn từ thị trường. Mặt khác, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các ngân hàng còn đối diện với việc phải làm thế nào để giữ được khách hàng hiện tại và tăng trưởng khách hàng mới.

“Mặc dù được xếp vào nhóm các ngân hàng ổn định, có tình hình tài chính lành mạnh, nhưng ABBANK vẫn chủ động hoàn thiện cơ cấu tổ chức để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng”, một thành viên Ban điều hành ABBANK chia sẻ. ABBANK đang hợp tác với đối tác tư vấn Deloitte, chủ động tiến hành tái cơ cấu. Dự án tái cấu trúc được thực hiện theo lộ trình nhằm đảm bảo tính an toàn và ổn định toàn hệ thống, trải qua 5 giai đoạn từ đầu 2012 đến đầu năm 2013. Với triết lý kinh doanh “lấy con người làm trọng tâm của chiến lược phát triển”, dự án Tái cấu trúc hệ thống được kỳ vọng đem tới cơ hội và vị thế mới cho ABBANK trên thị trường tài chính, đồng thời mang lại lợi ích toàn diện cho cán bộ nhân viên. ABBank dự kiến triển khai mô hình tổ chức mới từ năm 2013.

Trong giai đoạn đầu của dự án, Deloitte Việt Nam đã giúp ABBANK thực hiện công tác đánh giá hiện trạng về chiến lược, cơ cấu tổ chức và các bộ phận chức năng chủ chốt của ABBANK; đồng thời phân tích bối cảnh thị trường bên ngoài, đánh giá năng lực cạnh tranh của ABBANK so với các ngân hàng tương đương. Hiện tại, dự án đang bước vào giai đoạn 2 là hoàn thiện mô hình tổ chức toàn hệ thống phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển của ABBANK, xây dựng tầm nhìn và phương án tổ chức trong tương lai, các nguyên tắc tổ chức vận hành; xây dựng mô tả công việc và KPIs (chỉ số đánh giá hiệu suất công việc)…

Mục tiêu cuối cùng của dự án là giúp ABBANK tăng cường sức mạnh nội tại và tạo tiền đề cho chiến lược phát triển Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2020; nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng hoạt động cho toàn Ngân hàng. Tái cấu trúc không chỉ nhằm giúp Ngân hàng phát triển mà còn giúp nâng cao quyền lợi, tạo điều kiện phát triển cho từng cán bộ nhân viên; môi trường làm việc hướng đến chất lượng và hiệu quả; một cơ chế đánh giá năng lực cá nhân “Công bằng - Khách quan và Minh bạch”.

 

Tốc độ và dẻo dai

6 tháng cuối năm 2012, ABBANK đặt mục tiêu tăng 43% (so với năm 2011) về tổng tài sản, đạt 59.575 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 23.143 tỷ đồng; Huy động tăng 53%, đạt 39.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỷ đồng. Về các chỉ tiêu phi tài chính, đại diện ABBANK cho biết “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng 45% số lượng khách hàng cá nhân và 25% số lượng khách hàng doanh nghiệp”.

Về kinh doanh, ABBank tập trung tăng trưởng quy mô tổng tài sản, chú trọng vào huy động, bán lẻ và gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng thu nhập. Đồng thời, ABBANK cũng chú ý nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng hoạt động của toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả đầu tư công nghệ, phát triển các sản phẩm dịch vụ giàu tính công nghệ.

Song hành với kinh doanh, ABBank chú trọng đặc biệt đến quản trị rủi ro, đặc biệt là quản lý rủi ro tín dụng. Các bộ phận thực hiện đánh giá, tái cấu trúc lại danh mục tín dụng và danh mục tài sản có, nâng cao hiệu quả sinh lời và an toàn cho Ngân hàng, giải quyết triệt để nợ xấu.

Chúng tôi có kế họach xây dựng và cấu trúc lại hệ thống quản trị rủi ro theo mô hình quản lý tập trung; tăng cường kiểm soát và đưa ra các định hướng, dự báo kịp thời về diễn biến của thị trường; xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ để đảm bảo tính an toàn và bảo mật cao trong vận hành“, đại diện ABBANK chia sẻ.

Làm gì thì làm, gốc rễ phát triển của ngân hàng vẫn là chất lượng khách hàng. Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng cao như hiện nay, ABBANK đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, nhằm tạo ra sự tin tưởng và gắn bó của khách hàng, xây dựng cho mình một cơ sở khách hàng trung thành và gắn bó lâu dài.

Với sự đồng hành mật thiết và hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài là Maybank, việc tái cơ cấu và áp dụng những thông lệ chuẩn mực quốc tế vào hoạt động được kỳ vọng giúp ABBANK thích ứng nhanh hơn nữa với sự thay đổi của thị trường, trang bị nền tảng và cơ cấu tổ chức vững chắc, đưa ABBANK tiến lên vị thế mới và đón đầu cơ hội trong tương lai gần.