Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - (Ảnh BV)
Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông, theo khảo sát củaUỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Sáng 17/8, phiên giải trình " An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập" đã diễn ra tại nhà Quốc hội.
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, ông Nguyễn Vinh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, trong tháng 7/2020, Ủy ban này đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung phiên giải trình tại 14 tỉnh, thành phố tại Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung, Nam trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây bắc.
Qua đó, cơ quan tổ chức phiên giải trình đã chỉ ra 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Thách thức thứ nhất là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian, mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt; mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn. Thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng do phát triển kinh tế - xã hội như cho mục đích phát điện, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; do quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và cả do chưa sử dụng nước tiết kiệm.
Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột; xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy... gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.
Do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan kéo theo mưa lớn, lũ thì việc phòng lũ, chống úng, tiêu thoát nước đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các hồ chứa. Nhiều hồ hiện nay bị bồi lắng lớn làm cho dung tích phòng lũ hạn chế; nhiều hồ chứa được xây dựng trước đây chưa tính đến yếu tố phòng lũ hoặc xây dựng bằng vật liệu không đủ khả năng tích nước phòng lũ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tích trữ nước, an toàn cho hạ du và sử dụng tại chỗ khi thiếu nước ở những địa hình dốc, chia cắt mạnh.
Thứ ba, vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông đặt ra vấn đề chống xâm mặn ở những nơi chưa từng xảy ra như ở Sông Lam (Nghệ An), Sông Cả (Thanh Hóa); sông Vu Gia- Thu Bồn (Quảng Nam) nên ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước; đồng thời đặt ra vấn đề cần xây dựng các cống để trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này.
Thứ tư, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.
"Do đó, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa; việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu lực (Thái Lan) ảnh hưởng lượng nước cấp cho đồng bằng sông cửu long..."- ông Hà nhấn mạnh.
Thách thức thứ 5 là khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thứ sáu, vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng như mâu thuẫn trong việc chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu bồn (phục vụ Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4, tỉnh Quảng Nam) cũng làm giảm lượng chảy về hạ lưu của sông Vu Gia – là nguồn cung cấp nước chính cho thành phố Đà Nẵng; hoặc Hồ thủy điện A Vương đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước của 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nhưng có thời điểm khác biệt về nhu cầu giữ nước và xả nước gây mâu thuẫn cho vận hành.
Thách thức thứ bảy là vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy. Hiện nay chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông; thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su...cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực. Tuy nhiên, tại các tỉnh đầu nguồn nước như tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La...thì việc bảo vệ nguồn sinh thủy còn bất cập, độ che phủ rừng chưa cao trong khi quỹ đất quy hoạch trồng rừng còn khá lớn (tỉnh Sơn la còn 299.000 ha đất quy hoạch cho trồng rừng; tỉnh Điện Biên hiện còn 229.000 ha...).
Thách thức thứ 8 là hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi chưa còn chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%; việc sử dụng nước chưa tiết kiệm.
Nhiều hồ được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ XX nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình; nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn..nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.
Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2, trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 331 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 28,3%) là nằm trong lãnh thổ nước ta.
Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỷ m3. Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tỉnh khoảng 70 tỷ m3. Về nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm (tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940-1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới.