Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

8 chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 2/2017

Quy định mới về thiết bị trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế; Bỏ quy định hoàn thuế giá trị gia tăng tàu khai thác hải sản đóng mới 400 CV trở lên... là những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 2/2017. 

1. Quy định mới về thiết bị trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Nghị định 175/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ 15/02/2017.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về thiết bị trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Cụ thể, các máy trò chơi điện tử có thưởng được sử dụng trong Điểm kinh doanh phải là máy mới 100%, có thông số kỹ thuật do nhà sản xuất máy trò chơi điện tử có thưởng công bố và đã được tổ chức kiểm định độc lập hoạt động tại các nước G7 cấp chứng nhận kiểm định.

Tỷ lệ trả thưởng cố định tối thiểu đối với các máy giật xèng là 90% (đã bao gồm giải thưởng tích lũy) và được cài đặt sẵn trong máy. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi tỷ lệ trả thưởng phải đảm bảo tỷ lệ trả thưởng không thấp hơn tỷ lệ trả thưởng tối thiểu theo quy định, doanh nghiệp phải làm thủ tục kiểm định lại trước khi đưa máy vào sử dụng và phải quy định cụ thể tỷ lệ trả thưởng trong Thể lệ trò chơi.

2. Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế

Nghị định 167/2016/NĐ-CP  ngày 27/12/2016  về kinh doanh hàng miễn thuế đã được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 15/2/2017. Nghị định quy định cụ thể đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế, trong đó, người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực hạn chế tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.

3. Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị phạt đến 2 tỷ đồng

Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP  ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 01/02/2017, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.

4. Bỏ quy định hoàn thuế giá trị gia tăng tàu khai thác hải sản đóng mới 400 CV trở lên

Có hiệu lực từ 15/02/2017, Nghị định 172/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bỏ quy định về ưu đãi thuế đối với chủ tàu khai thác hải sản được hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu dùng để khai thác hải sản đối với tàu được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

5. Quy định về khoán rừng, vườn cây, diện tích mặt nước

Có hiệu lực từ 15/02/2017, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.

6. Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP  ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có hiệu lực từ ngày 25/02/2017, mức hỗ trợ cao nhất đối với: cây trồng là 30 triệu đồng/ha; sản xuất lâm nghiệp là 20 triệu đồng/ha; nuôi thủy, hải sản 60 triệu đồng/ha.

Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể: Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).

Đối với sản xuất muối, Nhà nước hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%; thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

7. Tổ chức, hoạt động của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo Nghị định số 173/2016/NĐ-CP  ngày 27/12/2016 quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực từ ngày 15/02/2017, cơ quan Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm: Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thanh tra bộ); Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch (Thanh tra sở).

8. Tổ chức, nhiệm vụ Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

Theo Nghị định 159/2016/NĐ-CP  ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có hiệu lực từ 01/02/2017, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các thành viên.

Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là hai năm. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên.

Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân không quá 11 người.

Tin bài liên quan