701,8 tỷ đồng bồi thường, bảo hiểm nông nghiệp lỗ nặng

701,8 tỷ đồng bồi thường, bảo hiểm nông nghiệp lỗ nặng

(ĐTCK) Hội nghị tổng kết chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ vừa diễn ra tại trụ sở Bộ Tài chính cuối tuần qua (27/6).

7.747,9 tỷ đồng giá trị được bảo hiểm

Theo đại diện Bộ Tài chính, qua 3 năm thực hiện, công tác thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng khích lệ, với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó cây lúa 2.151 tỷ đồng, vật nuôi 2.713,2 tỷ đồng, thủy sản 2.883,7 tỷ đồng. 

Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, trong đó thủy sản 218,175 tỷ đồng (chiếm 55,37%), cây lúa 91,919 tỷ đồng (chiếm 23,33%), vật nuôi 83,906 tỷ đồng (chiếm 21,3%). Có 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Về các doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, Bộ Tài chính cho biết, các nhà bảo hiểm trên đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong tổng hợp số liệu thống kê, theo dõi xác nhận dịch bệnh, xác nhận mức độ thiệt hại thực tế và giải quyết bồi thường bảo hiểm đúng chế độ quy định, phòng ngừa trục lợi bảo hiểm. 

Đây là nghiệp vụ mới, có nhiều khó khăn, phức tạp, tổn thất xảy ra đồng loạt trên diện rộng (đặc biệt trong bảo hiểm thủy sản) nhưng các nhà bảo hiểm đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về phía nhà tái bảo hiểm là Vinare cũng tích cực, chủ động phối hợp với các DN bảo hiểm thực hiện thu xếp tái bảo hiểm thành công cho chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Doanh thu 394 tỷ đồng, bồi thường 701,8 tỷ đồng

Trong chương trình thí điểm nêu trên, tổng doanh thu phí bảo hiểm thu về là 394 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng. 

Như vậy, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%. Trong đó, chủ yếu bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường là 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 306%); tiếp đó là cây lúa với 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%), vật nuôi 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 15,9%).

Trong số các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Sóc Trăng có số tiền thực bồi thường bảo hiểm cao nhất với 250,1 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 293,4%); tiếp đó là Bạc Liêu với 188,9 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 332,6%), Cà Mau 100,8 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 331%), Bến Tre 82,1 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 231,3%), chủ yếu là rủi ro về bảo hiểm tôm, cá.

Tỷ lệ bồi thường cao được báo cáo tổng kết chỉ ra là do rủi ro thiên tai (bão, lụt) đối với cây lúa; bệnh dịch gia tăng trên diện rộng đối với thủy sản, dẫn đến phạm vi, mức độ thiệt hại về mặt tài chính khá lớn, vượt quá năng lực tài chính của DN bảo hiểm, khiến DN bảo hiểm gặp khó trong tái tục hợp đồng tái bảo hiểm. Tuy nhiên, các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài đã hỗ trợ rất lớn về nguồn lực tài chính trong công tác bồi thường bảo hiểm.

Dù không được đề cập trong báo cáo, nhưng thực tế 3 năm qua cho thấy tình trạng trục lợi bảo hiểm nông nghiệp diễn ra khá tinh vi, trong trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của DN bảo hiểm còn hạn chế; lực lượng cán bộ mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới, khiến các nhà bảo hiểm gặp khó trong kiểm tra, giám sát rủi ro.

Chưa kể, số lượng hợp đồng chưa nhiều, có nơi chỉ tham gia mang tính chất thăm dò (tham gia ít hoặc không tham gia) hoặc lựa chọn các đối tượng được bảo hiểm có rủi ro cao để tham gia, gây khó khăn cho công tác thí điểm với nguyên tắc của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít. Trong khi đó, công tác chỉ đạo có nơi còn lúng túng và chưa thực sự quyết liệt. 

Tại hội nghị, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ hoàn thiện báo cáo tổng kết trình Thủ tướng Chính phủ kết thúc chương trình thí điểm và nghiên cứu khả năng thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới theo hướng: các DN bảo hiểm có thể chủ động thực hiện, đảm bảo nguyên tắc bảo hiểm cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bộ Tài chính đề nghị Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm các yêu cầu bồi thường bảo hiểm đã phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm, quy định tại quy tắc, điều khoản bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó, theo dõi, giám sát việc thực hiện các hợp đồng bảo hiểm đã ký kết trước ngày 31/12/2013 và còn hiệu lực; phối hợp với Ban chỉ đạo địa phương giải quyết bồi thường bảo hiểm trong trường hợp phát sinh tổn thất.

Tin bài liên quan