7 doanh nghiệp nhà nước nổi bật được đề xuất giữ vai trò "chim đầu đàn": Viettel, VNPT, Mobifone, EVN, PVN, Tân Cảng Sài Gòn và Vietcombank

7 doanh nghiệp nhà nước nổi bật được đề xuất giữ vai trò "chim đầu đàn": Viettel, VNPT, Mobifone, EVN, PVN, Tân Cảng Sài Gòn và Vietcombank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 7 doanh nghiệp nhà nước quy mô "tỷ USD" thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất để nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường.

Chiều ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.

Trình bày tổng quan về Đề án tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đề án tập trung vào hai mục tiêu chính.

Thứ nhất, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của doanh nghiệp nhà nước, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt.

Thứ hai, hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước/DNNN tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Đề án còn góp phần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý DNNN trong thời kỳ mới.

4 tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực nghiên cứu thí điểm bao gồm có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn nghiên cứu thí điểm phải có tổng tài sản sản trên 20.000 tỷ đồng, ROE lớn hơn 6%; chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…

Dựa trên các tiêu chí, đề án lựa chọn 4 lĩnh vực và đề xuất 7 cái tên doanh nghiệp nhà nước nổi bật. Cụ thể, theo đề xuất ban đầu, có 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là Viettel, VNPT, MobiFone; 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Đề án lựa chọn Vietcombank.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu góp ý về các vấn đề như, các doanh nghiệp được đề xuất đã phù hợp chưa hay các doanh nghiệp đang vướng mức ở chính sách, cơ chế nào. Đề án mang tính định hướng lớn để từ đó sửa các luật, nghị định nhằm tạo cơ chế đặc thù cho nhóm doanh nghiệp “chim đầu đàn” này.

"Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, đấy mới là mang tính dẫn dắt. Đồng thời phải xây dựng được một hệ sinh thái, hình thành được chuỗi giá trị để các thành phần kinh tế khác bám theo và phát triển. Ngoài ra, phải hỗ trợ, tương tác, bổ sung cho các khu vực kinh tế khác, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước", Bộ trưởng chia sẻ.

Hiện số lượng DNNN không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…

Nhắc lại những quan điểm lớn về phát triển DNNN được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng cho biết, đây là yêu cầu, đòi hỏi lớn, bức thiết của đất nước trong giai đoạn tới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án này.

Các ý kiến tại cuộc họp sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án.

Tin bài liên quan