7 đặc điểm bạn nên tìm kiếm ở một người đồng sự start-up

7 đặc điểm bạn nên tìm kiếm ở một người đồng sự start-up

Việc lựa chọn một người đồng sáng lập doanh nghiệp cùng với bạn không phải là điều dễ dàng và càng không thể lựa chọn sơ sài.

Một start-up có từ hai người trở lên sẽ rất khác biệt so với việc bạn chỉ khởi nghiệp một mình, nó sẽ có những cơ hội và thách thức riêng mà khi làm một mình có thể bạn không gặp phải.

Khi chắc chắn rằng mình đã có quyết tâm để thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của mình cùng với một hoặc nhiều người khác, hãy lưu ý những đặc điểm này khi lựa chọn người bạn đồng hành.

Có những thế mạnh bổ sung cho nhau

Như bất cứ những mối quan hệ trong cuộc sống, bạn chỉ có thể giỏi nhất khi có một người trợ thủ bổ sung cho bạn những khiếm khuyết và hỗ trợ bạn hết mình. Và ngược lại, điểm mạnh và những ưu thế của bạn sẽ cân bằng lại những khiếm khuyết của người bạn đó.  

Nhận biết được điểm mạnh của mình sẽ giúp bạn xác định được vai trò của mình trong mối quan hệ hợp tác này. Điều này cũng giúp cho bạn nắm bắt được đâu là người mà bạn cần cộng tác để xây dựng start-up cùng mình. Khi gặp khó khăn trong việc quyết định điều gì đó, sẽ rất tốt cho bạn nếu có người đồng hành có suy nghĩ lạc quan hơn để giải quyết vấn đề thay bạn.

Đam mê học hỏi

Một người đồng sự hoàn hảo là người có tinh thần học hỏi cao. Một doanh nghiệp có những người đứng đầu luôn học hỏi không ngừng sẽ luôn phát triển đúng hướng.

Giá trị lớn nhất mà một doanh nghiệp có được là sự cải tiến liên tục. Những người phù hợp với một cuộc sống khởi nghiệp thường luôn sẵn sàng học hỏi và tìm cách để doanh nghiệp của mình ngày càng phát triển hơn.

Chia sẻ niềm đam mê

Sẽ là một điều tuyệt vời nếu người đồng sự của bạn là nhà đầu tư tài chính cho công ty. Nhưng điều quan trọng hơn cả là người đó phải đồng cảm và thấu hiểu được niềm đam mê, sứ mệnh và kế hoạch khởi nghiệp để cùng chung tay chia sẻ điều đó với bạn.

Các bạn hãy cùng khởi nghiệp với một lý tưởng và thống nhất một cách thức làm việc chung, điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp của các bạn vững chắc hơn.

Trước khi bắt tay khởi nghiệp cùng ai đó, bạn hãy chắc chắn rằng người đó cũng hướng tới giá trị cốt lõi giống bạn. Để tránh trường hợp “gãy gánh giữa đường” vì bất đồng quan điểm.

Khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh

Có một người đồng sự có thể tự đưa ra quyết định và thích nghi được với mọi tình huống là điều rất quan trọng. Với công ty mới thành lập, bạn có thể đối mặt với rất nhiều tình huống bất ngờ nên hãy chú ý lựa chọn một người không nề hà với những việc khó và có thể linh động đưa ra quyết định trước những tình huống nan giải. 

Bạn cũng nên chú ý tìm kiếm một người không chăm chăm vào giải quyết những việc dễ dàng. Người này phải luôn cùng bạn lèo lái đưa công ty đi lên nhưng vẫn luôn giữ được sự khiêm tốn để vẫn vui vẻ làm những việc nhỏ nhặt nhất như trả lời điện thoại hay dọn một mẩu rác trên bàn.

7 đặc điểm bạn nên tìm kiếm ở một người đồng sự start-up ảnh 2

Luôn tràn đầy năng lượng

Có thể bạn nghĩ rằng bạn có đủ năng lượng để lan tỏa cho cả nhóm nhưng đôi khi bạn vẫn cần ai đó hỗ trợ bạn điều này. Khởi nghiệp thật sự rất khó, nó không dành cho những ai bị yếu tim. Việc ngày ngày lo lắng cho từng giai đoạn tăng trưởng, duy trì, tồn tại của doanh nghiệp sẽ lấy dần đi nguồn năng lượng của bạn. Khi bạn quá mệt mỏi, hãy để người cộng sự của bạn lan truyền tinh thần và động lực để bạn tiếp tục cố gắng.

Trung thực và liêm chính

Khi nhiều người cùng tham gia với vai trò sở hữu doanh nghiệp, sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tiền và xuất hiện sự thiếu trung thực. Để tránh trường hợp đẩy công ty của bạn vào những rắc rối pháp lý và phải tìm đến những luân lý, đạo đức, hãy tìm một người trung thực.

Hãy chia sẻ thẳng thắn ngay từ đầu rằng bạn muốn họ phải trung thực hoàn toàn 100% và không có ngoại lệ nào cho trường hợp này. Bạn nên nhớ rằng tìm người phù hợp không chỉ dựa vào kỹ năng chuyên môn của họ mà còn phải xem xét nhân cách sống.

7 đặc điểm bạn nên tìm kiếm ở một người đồng sự start-up ảnh 3

Cảm xúc ổn định

Bất cứ người chủ doanh nghiệp nào cũng cần biết cách tiết chế cảm xúc của mình ngay cả khi rơi vào trạng thái khủng hoảng nhất. Giận dữ với nhà cung cấp hay khách hàng cũng đều gây ra những hậu quả lớn cho công ty của bạn. Việc này không chỉ làm phá vỡ những mối quan hệ xã hội có ích cho doanh nghiệp mà còn đẩy khách hàng đi.

Và cuối cùng, hãy nhớ rằng bạn đang tìm một người đồng sự, một người bạn thân thiết để tin tưởng, chia sẻ công việc và giúp bạn vượt qua những khó khăn, cạm bẫy có thể xảy đến. Thước đo chính xác một người cộng sự tốt phải là khi họ cùng bạn vượt qua khó khăn như thế nào.

Tin bài liên quan