Nhờ giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận gộp tăng hơn 17,5% lên 630 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn thu về 197 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 3 năm gần đây.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, LTG đạt 4.600,5 tỷ doanh thu, giảm so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 255 tỷ đồng, tăng 26% và hoàn thành 49% kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019.
Việc thay đổi chính sách công nợ và tái cơ cấu hệ thống bán hàng vật tư nông nghiệp được LTG tập trung triển khai từ đầu năm 2019 với mục tiêu cải thiện chất lượng các khoản phải thu, đảm bảo tăng trưởng bền vững của hoạt động bán hàng trong dài hạn. Một chuyển động tích cực khác nằm ở mảng gạo của doanh nghiệp.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích, biên lợi nhuận gộp của gạo có thương hiệu trong nửa đầu năm 2019 đạt 20-25%, khá hấp dẫn so với kênh xuất khẩu truyền thống (<10%), trong khi việc xuất khẩu sang EU (triển vọng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, EVFTA) cũng giúp giá xuất khẩu tốt và ổn định hơn so với các thị trường đang phát triển và Trung Quốc.
Tỷ trọng doanh thu của sản phẩm gạo thương hiệu trong nửa đầu năm 2019 của LTG đạt 16% trong tổng doanh thu ngành gạo, tăng so với mức 7,5% của cùng kỳ năm 2018. Với mảng xuất khẩu, hiện tại, LTG là doanh nghiệp đầu tiên sở hữu chứng nhận SRP (Sustainable Rice Platform) và 25% vùng nguyên liệu có khả năng đáp ứng điều kiện để xuất khẩu gạo sang thị trường EU, bên cạnh lợi thế về thuế suất nhập khẩu gạo (0%) với hạn ngạch lên đến 80.000 tấn gạo các loại mỗi năm ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong khi nhập khẩu gạo của EU là khoảng 2 triệu tấn/năm.