Chủ trương của cơ quan quản lý là bên cạnh nỗ lực tự tái cấu trúc của nhóm này, các CTCK sẽ buộc phải có hướng tái cấu trúc phù hợp để đảm bảo yêu cầu hoạt động. Nửa cuối năm 2014 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa trong bức tranh tái cấu trúc nhóm này.
Hơn 60% CTCK vẫn có lỗ lũy kế
Báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2014 của UBCK cho thấy, đến hết quý I/2014, 55 trong tổng số 90 CTCK đang hoạt động, tương đương tỷ lệ trên 60% số CTCK vẫn còn lỗ lũy kế. Tất nhiên, con số này về bản chất đã có sự thay đổi rất lớn, do trong quý I/2014, nhiều CTCK ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng, nhưng việc bị tổn thất nặng nề giai đoạn trước khiến không ít CTCK vẫn gặp tình trạng khó khăn về tài chính.
Cũng theo UBCK, hiện vẫn còn 3 CTCK chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền của khách hàng. Đây là nhóm CTCK đã bị UBCK đưa vào tầm ngắm giám sát và đang được xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về phân loại quản lý và tái cấu trúc CTCK, tính đến thời điểm hiện nay, các CTCK đã được phân loại theo 4 nhóm như quy định tại Đề án Tái cấu trúc các CTCK, với 9 CTCK đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, 5 CTCK vào diện kiểm soát; tạm ngừng hoạt động 1 CTCK và chấm dứt hoạt động của 3 CTCK để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; đình chỉ hoạt động 2 CTCK, chấp thuận giải thể cho 3 CTCK, thu hồi giấy phép của 1 CTCK do hợp nhất và hiện đang hướng dẫn 2 CTCK khác thực hiện hợp nhất.
Tiếp tục siết quản lý CTCK
Theo UBCK, trong 6 tháng đầu năm, UBCK đã làm việc với 20 CTCK và công ty kiểm toán để rà soát báo cáo kiểm toán các CTCK có ý kiến ngoại trừ, báo cáo kiểm toán có các vấn đề chưa rõ ràng, làm căn cứ cho việc phân loại CTCK.
Với những CTCK có khoản phải thu lớn, UBCK đã yêu cầu phải thực hiện trích lập dự phòng theo Thông tư 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp.
Tới đây, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE) sẽ hợp nhất với CTCK Đại Tây Dương (OSC)
Ngoài ra, UBCK cũng thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL để từ đó có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm.
Bên cạnh các vấn đề giám sát, phân loại CTCK liên quan đến các báo cáo, UBCK cho biết cũng đã thực hiện thanh, kiểm tra 4 CTCK theo kế hoạch và theo chuyên đề về các vấn đề quản lý tách bạch tiền gửi nhà đầu tư, hoạt động môi giới; đi kèm với tăng cường giám sát, kiểm tra các CTCK về giao dịch ký quỹ, bán khống, hợp đồng hợp tác đầu tư và các hợp đồng hỗ trợ vốn.
Nửa cuối năm nay, bên cạnh việc duy trì các kế hoạch phân loại, thanh tra, giám sát CTCK và xử lý những CTCK chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, UBCK chủ trương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát nhóm CTCK. Việc nghiên cứu trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012 hướng dẫn thành lập, hoạt động CTCK theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy tái cấu trúc CTCK cũng được xem xét; bên cạnh việc nghiên cứu nâng cao tiêu chí thành viên các sở GDCK…
Tái cấu trúc CTCK sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm
Với việc siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với nhóm CTCK, sức ép cạnh tranh cũng lớn hơn, trong đó sự phân hóa giữa nhóm CTCK top trên với nhóm CTCK còn lại ngày một rõ nét, thì áp lực tái cấu trúc các CTCK theo đó cũng tăng lên.
Trên thực tế, một bức tranh khá rõ ràng của các CTCK là, gần như toàn bộ lợi nhuận ngành tập trung vào hơn chục CTCK, trong khi các CTCK còn lại chủ yếu hoạt động cầm chừng.
Đà khôi phục TTCK gần đây dù tạo ra sức bật cho nhóm các CTCK top trên, nhưng dường như không tác động nhiều đến hiệu quả hoạt động của nhóm CTCK. Điều này phần nào đã tiếp tục tạo sức ép tự tái cấu trúc hoặc rút lui của nhóm cổ đông cũ, nhường sân chơi cho lớp NĐT mới có tham vọng riêng và có thể làm tăng nhu cầu hợp nhất – sáp nhập CTCK.
Ghi nhận của ĐTCK cho thấy, bên cạnh xu hướng giải thể, hợp nhất các CTCK, mà sau MBS, trường hợp gần nhất sẽ là hợp nhất CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE) và CTCK Đại Tây Dương (OSC), thì thị trường đã và đang ghi nhận nhiều sự thay máu cổ đông tại các CTCK.
Trong vòng 3 tháng qua, có ít nhất 4 CTCK đã được giao dịch thành công, dù về mặt hình thức sở hữu, có thể chưa được công bố công khai. Nửa cuối năm nay, ngoài trường hợp VISE và OSC, có thể sẽ có thêm ít nhất 1 vụ hợp nhất CTCK để xóa lỗ lũy kế nữa.