54% doanh nghiệp Việt Nam bị gián đoạn sản xuất kinh doanh nặng do biến đổi khí hậu

54% doanh nghiệp Việt Nam bị gián đoạn sản xuất kinh doanh nặng do biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là con số được đưa ra tại Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI và các đối tác thực hiện vừa công bố.

Biến đổi khí hậu tác động mạnh tới doanh nghiệp

Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Quỹ châu Á tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ UPS thuộc Tập đoàn chuyển phát nhanh quốc tế UPS (Mỹ) cho thấy, trong số 10.356 doanh nghiệp tham gia khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn bị tác động bởi biến đổi khí hậu tương đối nhiều/rất nhiều cao nhất trong việc bị gián đoạn sản xuất kinh doanh (54%). Kế đến là năng suất lao động bị giảm do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu (đều ở mức 51%).

Có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp phản ánh về bị gián đoạn kênh vận chuyển (46%) và tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (44%). Tiếp đến, không ít doanh nghiệp cho biết, có tác động tương đối nhiều/rất nhiều về khía cạnh mạng lưới phân phối bị đình trệ (38%), giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (37%), thiệt hại cơ sở vật chất (34%) và thiếu hụt nhân lực (33%).

Thậm chí, có tới 33% doanh nghiệp chịu tác động tương đối nhiều/rất nhiều của việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất.

Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp.

Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp.

Phân tích những tác động cụ thể của ủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp theo vùng và lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho thấy, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành mà các doanh nghiệp chịu tác động lớn hơn cả.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành này là nhóm chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn nhất tại vùng Miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây cũng là ngành chịu tác động lớn thứ 2 tại Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên.

Tác động cộng gộp của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp cho thấy những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động là nhóm chịu tác động nhiều hơn.

Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp theo số năm hoạt động.

Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp theo số năm hoạt động.

Theo đó, những doanh nghiệp có số năm hoạt động dưới 3 năm là nhóm bị tác động nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp có số năm hoạt động từ 3-5 năm. Khi số năm hoạt động tăng, thì mức độ tác động có giảm đi, song lưu ý rằng kể cả với nhóm có số năm hoạt động từ 20 năm trở lên, mức độ tác động vẫn là tương đối lớn.

Thời gian bị gián đoạn sản xuất kinh doanh trung bình lên tới 16 ngày

Trong số 7.643 doanh nghiệp cung cấp thông tin về tổng số ngày doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động và giá trị tổn thất chung (triệu đồng) do các hiện tượng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trong năm vừa qua, thông thường các doanh nghiệp mất khoảng 7 ngày bị gián đoạn hoạt động (giá trị trung vị).

Nếu tính trung bình, thì số ngày bị gián đoạn hoạt động lên tới 16 ngày (giá trị trung bình). Một số doanh nghiệp cho biết số ngày bị gián đoạn trên 100 ngày (1,5% số doanh nghiệp trả lời), cá biệt có một vài trường hợp cho biết tổng số ngày gián đoạn hoạt động lên đến gần nửa năm.

Số ngày bị gián đoạn hoạt động trong năm 2019.

Số ngày bị gián đoạn hoạt động trong năm 2019.

Dù là đo lường theo giá trị trung vị hay giá trị trung bình, doanh nghiệp dân doanh có số thời gian bị gián đoạn hoạt động cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp FDI.

Số ngày bị gián đoạn hoạt động trong năm qua theo vùng và khu vực kinh tế.

Số ngày bị gián đoạn hoạt động trong năm qua theo vùng và khu vực kinh tế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại khu vực Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung có số ngày bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do các hiện tượng của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cao hơn đáng kể so với các vùng còn lại.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, về cơ bản thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng là nhóm bị gián đoạn hoạt động nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Tổn thất lớn

Trong số 6.225 doanh nghiệp cung cấp thông tin về tổng giá trị tổn thất trong năm vừa qua (triệu đồng) do các hiện tượng của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, thông thường các doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Giá trị trung bình tổn thất đối với 1 doanh nghiệp là khoảng 95,2 triệu, tuy nhiên một số doanh nghiệp có mức tổn thất rất lớn do đó kéo giá trị trung bình này lên ở mức trên.

Cụ thể, có gần 100 doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp cung cấp thông tin. Tương đối nhất quán với thước đo về số ngày bị gián đoạn hoạt động, giá trị tổn thất của các doanh nghiệp dân doanh là lớn hơn so với các doanh nghiệp FDI.

Giá trị tổn thất của các doanh nghiệp do rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra trong năm 2019.

Giá trị tổn thất của các doanh nghiệp do rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra trong năm 2019.

Cùng với đó, các doanh nghiệp ở vùng miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung chịu tổn thất cao nhất trong so với các nơi khác tại Việt Nam. Khai khoáng và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những lĩnh vực có các doanh nghiệp cho biết có giá trị tổn thất cao nhất ở tất cả các vùng.

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, song việc tham gia của các doanh nghiệp vào công cuộc này còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ thực tế rằng những trọng tâm chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam dường như chưa hướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Những thông tin cụ thể về nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam liên quan tới biến đổi khí hậu, mức độ tác động của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp, hành động của doanh nghiệp ra sao... dường như còn rất thiếu vắng.

Những thông tin do báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” cung cấp sẽ là đầu vào hữu ích cho quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về thích ứng rủi ro biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Với 10.356 doanh nghiệp phản hồi từ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, báo cáo là kết quả của cuộc điều tra doanh nghiệp quy mô lớn nhất về chủ đề này tại Việt Nam từ trước đến nay.

Tin bài liên quan