TTCK sẽ có không gian phát triển mới ở cấp độ phức tạp và có độ sâu hơn

TTCK sẽ có không gian phát triển mới ở cấp độ phức tạp và có độ sâu hơn

5 nhóm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2016 tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần tập trung triển khai 5 nhóm giải pháp trong năm nay, để phát triển TTCK lành mạnh, bền vững.

Khắc phục triệt để các vướng mắc về nới room

Hệ thống chính sách hỗ trợ TTCK phát triển đến thời điểm này đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ, nên “món nợ” chính sách không được các thành viên thị trường nhắc tới như một điểm “nóng”. Tuy nhiên, các thành viên thị trường trông đợi nhà quản lý quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc triển khai các chính sách đã ban hành, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vướng mắc nhất là việc triển khai quy định về nới “room” cho NĐT nước ngoài, được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Vướng mắc này, theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, không chỉ các DN, mà cả UBCK cũng sốt ruột. Bởi vậy, thời gian qua, UBCK đã có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm các giải pháp nhằm gỡ vướng cho triển khai quy định nới room.

“Đến nay, UBCK đã hoàn tất dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có đưa ra hướng khắc phục vướng mắc cho áp dụng quy định nới room”, ông Bằng nói và cho biết, dự thảo Nghị định đã được UBCK hoàn tất phiên bản 3 trong nội bộ UBCK và chuẩn bị trình Bộ Tài chính để công khai lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ ban hành để đưa vào áp dụng, đảm bảo trong năm nay khắc phục triệt để các vướng mắc về nới room.

Việc gỡ vướng mắc nới room cũng là yêu cầu mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đặt ra cho ngành chứng khoán như một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, để sớm cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho TTCK. 

5 nhóm giải pháp phát triển TTCK

Ngoài yêu cầu UBCK khắc phục 3 hạn chế hiện tại của TTCK là tính thanh khoản chưa cao, thị trường dễ bị tác động bởi tin đồn, các dấu hiệu vi phạm pháp luật khá phức tạp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, UBCK cần tập trung triển khai 5 nhóm giải pháp trong năm nay, để phát triển TTCK lành mạnh, bền vững hơn.

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trọng tâm là khẩn trương sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK. Xây dựng Nghị định để gom toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán đang quy định ở cấp Thông tư cho đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư. Cũng cần tập trung sửa đổi các quy định nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, hoàn thiện các điều kiện để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động theo hướng triển khai các sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, giúp NĐT có công cụ phòng ngừa rủi ro.

Thứ ba, UBCK tiếp tục gắn kết với các bộ, ngành trong thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Với các trường hợp DN không tuân thủ việc gắn hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng với lên sàn, thì phải có chế tài xử lý nghiêm.

Thứ tư, nỗ lực nâng hạng thị trường theo hướng phân định rõ hơn việc gì cần đề xuất Chính phủ hỗ trợ, việc nào Bộ Tài chính, UBCK, các thành viên thị trường phải lo theo một lộ trình cụ thể.

Thứ năm, Bộ Tài chính, UBCK phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Tính chuyện dài hạn

Sau hơn 15 năm phát triển, TTCK Việt Nam bắt đầu phát đi các tín hiệu đụng “trần” của một thị trường ở giai đoạn phát triển ban đầu với hệ thống giao dịch và sản phẩm cơ bản, đơn giản, đòi hỏi phải có thêm các chính sách mới nhằm mở ra một không gian phát triển mới cho TTCK ở cấp độ phức tạp và có độ sâu hơn. Điều này thể hiện qua nhiều kiến nghị của các thành viên thị trường.

“Các Sở GDCK đang chuẩn bị hệ thống giao dịch mới cho chứng khoán phái sinh, chứng quyền, chứng chỉ lưu ký, cũng như các sản phẩm mới khác mà TTCK VIệt Nam có thể có trong 5 năm tới. Đây là các sản phẩm phức tạp, tính rủi ro cao hơn, nên cả nhà quản lý lẫn các thành viên thị trường cần tích cực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng như hệ thống giao dịch, quản lý tiền của NĐT, hệ thống thanh toán bù trừ đối tác trung tâm…”, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM Trịnh Hoài Giang nói.

Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI đề nghị, nhà quản lý cần sớm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở pháp lý cho sự ra đời của quỹ hưu trí. Cùng với đó, khắc phục một số bất cập của cơ chế hiện hành nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm quỹ mở, quỹ ETF.

Tại Hội nghị, UBCK đã công bố dự thảo Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, để tham vấn các thành viên thị trường. Trong đó, theo Phó chủ tịch UBCK, TSKH. Nguyễn Thành Long, các điểm mới về chính sách sẽ tập trung vào xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ 2; phát triển TTCK phái sinh và hệ thống quỹ hưu trí; nâng hạng TTCK; bổ sung các quy định cho phép UBCK có đủ thẩm quyền để thực thi các chức năng giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi theo thông lệ quốc tế...

“Dự kiến tháng 3 sẽ có mô hình công nghệ cho TTCK phái sinh”

5 nhóm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ảnh 1

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)

Đến nay, HNX đã hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư hạ tầng công nghệ cho triển khai TTCK phái sinh, song song với công tác chuẩn bị của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Dự kiến, vào tháng 3/2016, HNX và VSD sẽ phối hợp công bố tới các thành viên thị trường đặc tả kỹ thuật mô hình hạ tầng công nghệ, để họ có cơ sở chuẩn bị hệ thống, đảm bảo có thể chạy thử hệ thống với HNX và VSD trong quý IV/2016. Cùng với đó, HNX đặt mục tiêu trong quý III/2016 sẽ phối hợp với VSD hoàn thiện quy chế, quy trình nghiệp vụ để trình UBCK cho phép ban hành.

TTCK phái sinh là thị trường bậc cao, phức tạp, nên quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn. Bộ Tài chính, UBCK cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho HNX và VSD trong quá trình chuẩn bị triển khai TTCK phái sinh. Các CTCK dự kiến tham gia TTCK phái sinh, ngoài việc chuẩn bị về nhân sự, hệ thống, quy trình liên quan đến giao dịch, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo cho nhân viên và NĐT, để tham gia triển khai thị trường đạt hiệu quả cao…

 

“Nỗ lực phát triển sản phẩm và các tiện ích giao dịch mới”

5 nhóm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ảnh 2

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE)

Bên cạnh các hoạt động thu hút DN lên niêm yết, gia tăng số lượng công ty đấu giá và quy mô niêm yết, năm nay, HOSE tập trung phát triển các sản phẩm mới như: chứng quyền có đảm bảo, chỉ số phát triển bền vững và các chỉ số khác làm tham chiếu cho quỹ ETF, sản phẩm phái sinh…

Đồng thời, HOSE sẽ nghiên cứu ứng dụng các tiện ích giao dịch mới theo thông lệ quốc tế để hỗ trợ giao dịch của NĐT, góp phần nâng cao thanh khoản cho thị trường, hướng đến năm 2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 70 - 100% GDP.

“Nâng hạng TTCK là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”

5 nhóm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ảnh 3

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt

Nâng hạng TTCK nên được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Để thành công trong nâng hạng thị trường, cần có hướng dẫn cụ thể về mở room cho khối ngoại. Theo đó, cần có danh sách cụ thể loại hình DN nào bị hạn chế nới room.

Liên quan đến khối ngoại, hiện UBCK đã có văn bản hướng dẫn và giảm thiểu thủ tục áp dụng đối với NĐT nước ngoài khi mở tài khoản giao dịch. Tuy nhiên, các thủ tục mở tài khoản thanh toán, tài khoản góp vốn tại ngân hàng thương mại vẫn chưa có sự thay đổi. Do đó, đề nghị UBCK phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giảm thiểu các thủ tục này.

Tin bài liên quan