TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, quy mô tín dụng phi chính thức tại Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế, trong đó quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế (khoảng 450.000-550.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018).
Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, mỗi tuần có hàng chục vụ việc liên quan tới "tín dụng đen" được phanh phui, đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu là dân nghèo, dân tộc thiểu số, nông dân, phụ nữ… Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an được công bố mới đây, trong 4 năm qua, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen”, trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản...
“Quy mô 'tín dụng đen' tuy không lớn, nhưng hệ lụy kinh tế - xã hội lại rất nghiêm trọng. Đặc biệt, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến 'tín dụng đen' có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cũng như niềm tin của người dân doanh nghiệp, nên cần được lưu tâm xử lý”, TS. Lực nói.
Trên thực tế, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực trong việc cung ứng vốn nhằm hạn chế "tín dụng đen" phát triển. Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2018, có 78 tổ chức tín dụng có phát sinh số liệu dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống (đã bao gồm cho vay tiêu dùng của 13 công ty tài chính), với dư nợ đạt 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm 78%.
Trong số các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, cho vay mua nhà ở/thuê/thuê mua nhà ở/xây dựng sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 56,76%, tương đương 804.205 tỷ đồng, tăng 36,13%; tiếp đó là cho vay tiêu dùng, sinh hoạt, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 425.551 tỷ đồng, chiếm 30% và tăng 20,2%.
Trong tổng dư nợ 99.884 tỷ đồng cho vay phục vụ đời sống, có 12 công ty tài chính phát sinh dư nợ tiêu dùng với giá trị đạt 89.386 tỷ đồng (giá trị các khoản cho vay dưới 100 triệu đồng theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN, trong đó nợ ngắn hạn đạt 20.775 tỷ đồng, chiếm 23,24%; nợ trung - dài hạn đạt 64.663 tỷ đồng, chiếm 72,3%).
Trong số các sản phẩm cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, cho vay mua đồ dùng/trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng cao nhất 46,5% (41.593 tỷ đồng), tiếp theo là cho vay mua/thuê/thuê mua phương tiện đi lại chiếm 28,9% (25.861 tỷ đồng), cho vay sửa chữa nhà ở chiếm 19,6% (17.546 tỷ đồng), cho vay chi phí học tập/chữa bệnh/du lịch/văn hóa/thể dục/thể thao chiếm 0,49% (gần 440 tỷ đồng).
Đối tượng chịu ảnh hưởng của 'tín dụng đen' chủ yếu là dân nghèo.
Thực tế, "tín dụng đen" thường hoạt động mạnh tại vùng nông thôn, đồng bào thiểu số..., vốn là những khu vực nghèo, còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận tín dụng chính thức chưa nhiều, trong khi nhận thức, trình độ, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về các kênh vay tiền chính thống còn hạn chế. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân nên các ngân hàng cũng chưa quan tâm nhiều đến phát triển cho vay tiêu dùng tại các vùng này.
5 giải pháp phát triển tín dụng nông nghiệp
Liên quan tới mạng lưới tín dụng, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay lĩnh vực này thì nay có khoảng 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, với mô hình ngân hàng lưu động của Agribank, các điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản tại 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cho đại đa số bộ phận người dân.
Cũng theo ông Tú, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20%/năm và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn năm 2014 tăng 10,8%, năm 2015 tăng 13,34%, năm 2016 tăng 18,09%, năm 2017 tăng 25,5%. Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 25% dư nợ tín dụng nền kinh tế.
NHCSXH cũng đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có trên 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 9,31% so với cuối năm 2017, với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, góp phần tạo ra tăng trưởng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP nói chung (năm 2018 tăng 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018)”, ông Tú chia sẻ.
Lãnh đạo NHNN cho biết, Chính phủ xác định đẩy lùi "tín dụng đen" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 cũng như sau này, trong đó đẩy mạnh tín dụng cho khu vực nông nghiệp là một trong những giải pháp.
Tuy nhiên, để đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thực sự hiệu quả, cùng với các chính sách và giải pháp của ngành ngân hàng, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và bản thân các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trong triển khai đồng bộ các giải pháp như:
Thứ nhất, khẩn trương triển khai các chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, các bộ, ngành liên quan cần đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Thứ tư, các địa phương cần quan tâm đến chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp; thứ năm, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính...