Với kinh nghiệm của mình, ông khuyên, để công việc được "xuôi chèo mát mái", doanh nhân nên tự thiết lập một bệ phóng vững chắc và bồi dưỡng khả năng quản lý nội bộ trước khi bước chân ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú ý tận dụng thời điểm thuận lợi cho việc kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và khả năng hội nhập văn hóa của đội ngũ nhân viên.
Patel cũng lưu ý, trong thời gian đầu, doanh nghiệp có thể chưa thích ứng với việc tìm kiếm nhân tài, đổi mới quy trình bán hàng hay thay đổi mô hình kinh doanh, nhưng đừng để nỗi sợ hãi đó làm bạn chùn bước. Tất cả những thứ bạn cần là chuẩn bị đầy đủ mọi thứ với tinh thần sẵn sàng học hỏi.
Dưới đây là 5 lời khuyên của ông dành cho những doanh nghiệp muốn "tiến quân" vào vùng đất mới:
1. Hoạch định chiến lược
Để có một chiến lược kinh doanh tốt, trước tiên cần xác định ưu, nhược điểm của doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng giống như điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp có thể thay đổi theo thời gian do đó nhà lãnh đạo cần thường xuyên quan tâm đến chúng để biết khi nào nên nắm bắt thời cơ hay im lặng chờ đợi.
"Chiến lược và sự định giá không phải là những yếu tố mang tính cố định. Chúng cần được đánh giá lại thường xuyên khi thị trường và nhân sự có sự thay đổi. Nhà lãnh đạo nên xem xét các yếu tố này mỗi năm vài lần để sớm nhận ra các mối nguy có thể xảy đến", Patel nhắc nhở.
2. Xây dựng đội ngũ
Nhân viên là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Mỗi người đều có ít nhất một kỹ năng quan trọng đóng góp cho dự án nên bạn cần chú trọng đào tạo để họ đủ khả năng thích nghi trong môi trường làm việc quốc tế.
"Việc ở cùng một chiến tuyến giúp nhân viên thắt chặt tình đồng đội, hiểu ý nhau hơn, và sẵn sàng hơn trong khi làm việc tại thị trường mới", Patel nói.
3. Lường trước rủi ro
Tác động to lớn mà xu hướng toàn cầu hóa mang lại cho doanh nghiệp không chỉ là cơ hội rộng mở mà còn bao gồm cả những rủi ro không hề nhỏ. Việc cho rằng sớm trải nghiệm thất bại để rút ra bài học kinh nghiệm có thể khiến công ty dễ sụp đổ hơn trong thị trường quốc tế so với trong nước.
Nhu cầu của thị trường luôn thay đổi, do đó công ty cần chuẩn bị tốt và lường trước rủi ro có thể xảy đến. Ngoài quản trị rủi ro, doanh nghiệp nên chú ý đến tính minh bạch. Sau tất cả, tin cậy là đức tính giúp mọi người thêm tin tưởng và đôi lúc sẵn sàng vô tư giúp đỡ bạn. Bên cạnh đó, việc tỏ ra trung thực và nhìn nhận vấn đề đúng với thực tế sẽ giúp doanh nghiệp đương đầu với khó khăn, đặc biệt trong việc dự báo doanh thu hay khả năng xử lý tình huống.
4. Nhất quán
Để được thị trường chấp nhận, nhà lãnh đạo nên có cái nhìn "thoáng" hơn về mặt tư tưởng, chấp nhận thay đổi chút ít để thương hiệu gần gũi hơn với khách hàng mới. Điều này thể hiện trong việc thiết kế lại logo, slogan thương hiệu, sử dụng ngôn ngữ địa phương hay kết hợp sản phẩm của doanh nghiệp với sản phẩm truyền thống của địa phương.
Dù vậy, với kinh nghiệm của mình, Patel cảnh báo doanh nghiệp nên hành động một cách nhất quán. Dù linh hoạt đến mức nào thì vẫn không nên thay đổi những giá trị cốt lõi của thương hiệu. Bạn cần giữ chúng nhất quán trên mọi vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp đang hoạt động, bởi đó là thứ giúp gắn kết người tiêu dùng với công ty bạn, là lý do bạn cần duy trì tính nhất quán và bảo vệ thương hiệu khỏi sự đồng hóa.
Nhiệm vụ này nghe có vẻ khó khăn nhưng vốn dĩ cảm xúc hay tư tưởng vẫn luôn là những thứ có thể vượt qua rào cản địa lý hay ngôn ngữ. "Cho dù khách hàng đến từ quốc gia nào, bạn vẫn muốn họ cảm thấy thoải mái, chào đón và thấu hiểu thương hiệu của bạn", ông cho biết.
5. Thấu hiểu khách hàng
Patel khuyên nhà lãnh đạo nên thể hiện sự tích cực trước những khó khăn của quá trình toàn cầu hóa vì "thị trường toàn cầu luôn phức tạp hơn bạn nghĩ", Patel nói. Một trong những cách để có được thái độ tích cực đó là thấu hiểu khách hàng. Ban lãnh đạo phải biết lắng nghe và thích ứng với nhu cầu của thị trường mới. Bạn không thể thu hút thêm khách hàng bằng việc khăng khăng làm theo cách cũ được.
Ngay cả trong thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng không ít lần chịu thử thách và mắc sai lầm mới rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là một phần tất yếu của công việc kinh doanh. Mắc sai lầm cũng là một cách để học hỏi và thử nghiệm những cái mới.