Thăm Hoàng cung xa hoa lộng lẫy bậc nhất
Đây đã là lần thứ 3 tôi quay trở lại Bangkok. Hai lần trước tôi đều chọn sân bay quốc tế mới Suvarnabhumi vì sự sạch sẽ, tiện nghi, nhưng lần này, tôi quyết định book vé của hãng Air Asia hạ cánh xuống Don Muang. Đây là sân bay quốc tế cũ của Bangkok, cách thành phố khoảng 30 cây số.
Sân bay Don Muang có một sân golf 18 lỗ nằm giữa hai đường băng. Từ khi Suvarnabhumi khánh thành, Don Muang gần như bị thất sủng, chỉ còn là điểm dừng của một vài hãng như Nok Air, One to Go và Air Asia, nên việc chơi golf ở đây ít khi bị các chuyến bay dày đặc làm phiền.
Từ trên cao nhìn xuống khi máy bay sắp hạ cánh, tôi nhìn thấy có người đang say mê đánh golf. Họ dừng lại khi thấy máy bay từ xa và tiếp tục niềm vui ngay khi hành khách rời đi.
Sau khi nhập cảnh, tôi xuống tầng hầm tìm đến ga xe tàu điện Skytrain vào thành phố. Tàu đi nhanh, sạch sẽ, giá cả phải chăng. Chỉ mất 30 phút là tới trung tâm rồi.
Lần thứ 3 quay lại, Bangkok vẫn là thành phố sôi động, hấp dẫn và có tất cả mọi trải nghiệm phù hợp với mọi đối tượng: khu bảo tàng văn hóa, đền đài, trung tâm Phật giáo nguy nga, tráng lệ, khu ẩm thực, chợ lớn....
Bangkok hiện đại nhưng không quá sa hoa. Thành phố vẫn có những căn hộ tập thể cũ kỹ nép mình bên các tòa nhà cao trọc trời. Vẫn có những quán ăn vỉa hè đầy màu sắc ẩn khuất ngay cạnh khu nhà hàng sang trọng. Vẫn có những khu phố đèn đỏ hoạt động sôi nổi bất kể ngày đêm trong lòng đất nước Phật giáo uy nghiêm. Những mảng màu cuộc sống đối lập tưởng chừng không thể dung hòa ấy lại nâng đỡ nhau đến mức khó tin. Tất cả mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời mỗi lần đặt chân đến Bangkok.
Ngày đầu tiên ở đây, tôi quyết định ghé thăm hoàng cung, nơi được coi là niềm tự hào của người dân xứ chùa Vàng. Hoàng cung là một quần thể kiến trúc đa dạng, pha trộn nhiều nét kiến trúc truyền thống của Thái Lan, độc đáo của Trung Hoa và hiện đại của phương Tây.
Nổi bật nhất là đại hoàng cung, khánh thành vào năm 1782, dưới thời vua Rama I. Sự lộng lẫy, hoành tráng của nó được thể hiện trên diện tích 218.000 m2, bao bọc nhờ 4 bức tường có chiều dài 1.900 m.
Trong đại hoàng cung có văn phòng hoàng gia, thường xuyên diễn ra các sự kiện trọng đại, nên được coi như trái tim của Bangkok.
Cách đó không xa là chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew), hiện đang gìn giữ bức tượng Phật bằng ngọc bích - một báu vật trấn quốc quý hiếm trên thế gian. Ngôi chùa rộng đến 945.000 m2, gồm hơn 100 tòa nhà cao tầng được trang trí bằng nhiều bức bích họa tinh xảo về sử thi Ramayana Ấn Độ, mô tả truyền thuyết về việc dựng và giữ nước của các vương triều thuở xưa. Người dân Thái Lan tin tưởng rằng, bức tượng này được đặt ở đâu thì ở đó nhiều may mắn, mọi sự phát đạt.
Sau vài phút nghỉ trưa, tôi dành cả buổi chiều lang thang ở thư viện Phra Mondhop, nơi bảo quản toàn bộ kinh Phật Thái Lan và những bộ kinh tiêu biểu trên thế giới. Tháp vàng Phra Sri Rattana được bao bọc bởi hàng triệu lá vàng dát mỏng chuyển từ Ý về, là nơi ướp thi hài các vua vừa qua đời… Cuối cùng là bảo tàng hoàng gia Thái Lan (Arts of the Kingdom V) nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các báu vật rất tinh xảo của Hoàng gia làm từ vàng, bạc, đá quý, gỗ... Sự tinh tế, tỉ mỉ, công phu của đại công trình đều do một tay con người tác tạo nên.
Hoàng cung có một sức hút mãnh liệt khiến tôi tham quan cả ngày không chán. Đi hết 3 khu vực hoàng cung này là coi như hết cả 1 ngày, vậy mà tôi vẫn cố nán lại đến khi hoàng hôn buông xuống để chứng kiến khung cảnh hoàng cung vàng rực, tỏa sáng lấp lánh nhờ những lá vàng 24 cara dát trên các tháp, chùa.
Ngắm Bangkok từ “dòng sông của các vị vua”
Cảm giác lâng lâng này tiếp tục được kéo dài đến tận buổi tối khi tôi lang thang Bangkok về đêm. Từ sau 9 giờ tối, Bangkok trở nên khác biệt hoàn toàn so với ban ngày. Cứ như bây giờ người dân mới thật sự tỉnh giấc.
Những cửa hàng bán đồ ăn, đồ lưu niệm, cà phê, quán bar… đồng loạt mở cửa, nhạc mở xập xình. Xe cộ trên đường trở nên đông đúc, náo nhiệt. Du khách nước ngoài túa ra đường dày đặc. Những chiếc taxi chở khách lướt đi trong vội vã. Tôi đi bộ dọc đường phố Bangkok, chốc chốc lại gặp đám thanh niên mời mọc massage, xem múa thoát y... Những trò giải trí đầy rẫy ở đây.
Tuy nhiên, những quán café bên dòng sông Chao Phraya là nơi tôi thích ghé thăm. Có không ít thành phố mang trong lòng một dòng sông, nhưng với Bangkok, Chao Phraya được coi là linh hồn. Vua Rama I của đất nước này đã đặt tên cho nó là “Dòng sông của những vị vua”.
Lần đầu mới đến, tôi khám phá sông Chao bằng các phương tiện công cộng có sẵn hai bên bờ: đi phà 2,5 bath, river taxi 6 - 10 bath, hoặc tàu du lịch 75 bath. Cả ba đều đưa du khách đi dọc bờ sông và dừng lại ở các điểm tham quan nổi tiếng, nhưng quả thực, với tôi cũng chẳng có gì thú vị lắm.
Lần thứ hai thì tôi ghé thăm khu chợ đêm Asiatique, là một tổ hợp vui chơi giải trí nổi tiếng ngay cạnh dòng sông. Trong chiều dài lịch sử, Asiatique từng là khu cảng sầm uất bên dòng sông Chao, là cổng giao thương nổi tiếng giữa Thái Lan và các nước châu Âu vào đời vua thứ 5. Sau khi cải tạo lại những dãy nhà kho, nhà xưởng cũ có tuổi thọ hơn 100 năm thành các cửa hàng mua sắm nhộn nhịp, Asiatique trở thành điểm du lịch - mua sắm mới tại Bangkok.
Ở Asiatique có khoảng 1.000 gian hàng bày bán đủ thứ, chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm..., những món đồ lưu niệm ở đây đều mang màu sắc sặc sỡ bắt mắt, lại được làm thủ công vô cùng tỉ mẩn. Giá cả cũng đa dạng không kém. Những người bán hàng ở Bangkok thường nói thách đến gần chục lần giá thật, khách tha hồ trả giá tùy thích, được giá thì họ bán, không thì người bán hàng vẫn cười vui vẻ và lắc đầu. Nếu không giỏi mặc cả thì bạn có thể sẽ rỗng ví nhanh hơn mình tưởng tượng. Bí quyết của tôi là hạ giá xuống hẳn 1/3 rồi nâng lên dần.
Lần thứ ba này thì khác, tôi chỉ muốn tìm một góc yên tĩnh nào đó ngắm nhìn dòng sông Chao huyền thoại. Về đêm, con sông trở nên quyến rũ và lung linh hơn. Dòng sông như ôm mình vào tất cả, lóng lánh vàng trong chiều hoàng hôn, phập phồng bong bóng trong đêm mưa, lặng như tờ trong buổi sáng sớm và tỏa sáng bừng trong những buổi trưa vàng… Tất cả phảng phất chút cổ kính xen lẫn hiện đại
Đoạn sông chảy ngang qua thành phố mọc lên nhiều khách sạn, chung cư cao tầng... Xen kẽ với đó là những đền chùa, nhà thờ, tòa thị chính uy nghiêm trông như châu Âu thế kỷ 19. Có khoảng chục du thuyền hạng sang đang chở du khách ngắm cảnh khiến sông Chao Phraya như một thành phố nổi. Những con thuyền hoạt động đến tận khuya, đưa du khách tới mọi khu vui chơi về đêm để tận hưởng một Bangkok thật trọn vẹn. Nếu đêm nay có trăng thì quả như một tác phẩm nghệ thuật được dệt bởi ánh sáng.
Học nấu ăn - Trải nghiệm đáng thử
Không có cách nào để hiểu biết về ẩm thực của đất nước rõ nét hơn là tận hưởng sâu sắc tinh hoa của những món ăn thông qua lớp học nấu ăn. Nhờ một người bạn liên lạc, tôi dễ dàng đăng ký một buổi workshop dạy nấu ăn 2 tiếng ở Học viện nấu ăn Thái Lan Bangkok. Tại đây, các đầu bếp dạy chúng tôi nấu món cà ri đặc trưng của Thái.
Nước cà ri của người Thái béo cái béo từ thực vật, ngọt dịu từ cốt dừa và tập trung vào vị cay thay vì hòa quyện các vị chua ngọt béo nồng như cà ri Ấn. Hầu hết chúng đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực lúa nước Đông Nam Á như nước mắm, đường mía, cùng nhiều loại thảo mộc. Chỉ khác nhau chút ít để tạo ra nhiều loại cà ri đa dạng màu sắc: cà ri vàng từ nghệ, cà ri xanh từ rau mùi, lá chanh, húng quế, cà ri đỏ từ ớt bột và ớt tươi… Sau buổi học nấu ăn, tôi mang kiến thức quý giá đó trở về Việt Nam và sử dụng nó bất cứ khi nào nhớ hương vị cà ri của Thái.
48 giờ lang thang ở thành phố sôi động Bangkok, thật kỳ lạ khi tôi bắt đầu thấy mình nghĩ nhiều hơn và cảm nhận mọi thứ sâu hơn. Thay vì tham gia những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, tôi lựa chọn những trải nghiệm chậm rãi, yên bình.
Việc đặt cạnh nhau của nề nếp và hỗn loạn, truyền thống và hiện đại, tôn giáo và tục lệ, nước ngoài và bản địa có lẽ làm Bangkok thêm phần đặc biệt. Bangkok quả đúng là thiên đường du lịch của thế giới. Dù là đến lần đầu hay quay lại thì thành phố luôn biết cách làm cho du khách phải ấn tượng khó quên.