Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải (ngoài cùng, bên phải) là một trong 40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải (ngoài cùng, bên phải) là một trong 40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV

40 tỉnh, thành phố có bí thư ứng cử đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Trong 868 ứng cử viên chính thức được công bố, có 40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy, 20 phó bí thư, 3 chủ tịch và 4 phó chủ tịch UBND tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ba chủ tịch UBND tỉnh tham gia ứng cử

Theo cơ cấu định hướng của cuộc bầu cử lần này, các lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (bí thư hoặc phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) là 63 đại biểu.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì 3 nơi có bí thư ứng cử, gồm các ông Đinh Tiến Dũng (Hà Nội), Lê Quang Mạnh (Cần Thơ), Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng).

Bí thư Thành ủy TP.HCM không ứng cử, nhưng có 2 phó bí thư cùng tham gia ứng cử là ông Trần Lưu Quang và bà Nguyễn Thị Lệ.

Hải Phòng cũng không có bí thư ứng cử, người ứng cử là ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thành ủy (ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực thành ủy TP.HCM vừa được Bộ Chính trị phân công giữa chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng).

Các tỉnh có bí thư ứng cử gồm: ông Lữ Văn Hùng (Bạc Liêu), ông Dương Văn An (Bình Thuận), ông Nguyễn Văn Lợi (Bình Phước), ông Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn), ông Dương Văn Thái (Bắc Giang), bà Đào Hồng Lan (Bắc Ninh), ông Phan Văn Mãi (Bến Tre), ông Trần Văn Nam (Bình Dương), ông Lại Xuân Môn (Cao Bằng), ông Lê Quốc Phong (Đồng Tháp), ông Ngô Thanh Danh (Đắk Nông), ông Nguyễn Văn Thắng (Điện Biên), ông Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), ông Đỗ Thanh Bình (Kiên Giang), ông Đặng Quốc Khánh (Hà Giang), ông Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh).

Danh sách 40 bí thư còn có ông Lê Tiến Châu (Hậu Giang), ông Ngô Văn Tuấn (Hòa Bình), ông Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên), bà Giàng Páo Mỷ (Lai Châu), ông Đặng Xuân Phong (Lào Cai), ông Thái Thanh Quý (Nghệ An), bà Nguyễn Thị Thu Hà (Ninh Bình), ông Bùi Minh Châu (Phú Thọ), ông Phạm Đại Dương (Phú Yên), ông Vũ Đại Thắng (Quảng Bình), ông Lê Quang Tùng (Quảng Trị), ông Lâm Văn Mẫn (Sóc Trăng), ông Nguyễn Hữu Đông (Sơn La), ông Ngô Đông Hải (Thái Bình), bà Nguyễn Thanh Hải (Thái Nguyên), ông Lê Trường Lưu (Thừa Thiên Huế), ông Nguyễn Văn Danh (Tiền Giang), ông Ngô Chí Cường (Trà Vinh), ông Chẩu Văn Lâm (Tuyên Quang), bà Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc), ông Đỗ Đức Duy (Yên Bái).

Trong danh sách nói trên, có một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh Tiến Dũng. Các bí thư tỉnh, thành phố còn lại đều là Ủy viên Trung ương, trừ ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh này. Đáng chú ý, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường ứng cử tại khối đại biểu Quốc hội, tức là được dự kiến về công tác tại Trung ương trong nhiệm kỳ tới.

Ba chủ tịch UBND tỉnh tham gia ứng cử lần này là các ông Lê Quân (Cà Mau), Trương Quốc Huy (Hà Nam) và Trần Quốc Nam (tỉnh Ninh Thuận).

Cũng rất đáng chú ý là, 4 tỉnh đã có bí thư tỉnh ủy ứng cử, nhưng vẫn đồng thời có cả phó chủ tịch UBND tỉnh ứng cử, đó là các ông Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), Huỳnh Minh Tuấn (Đồng Tháp), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Lại Văn Hoàn (Thái Bình).

Không có bí thư cũng không có phó bí thư ứng cử đại biểu Quốc hội, tỉnh Đắk Lắk có ông Y Vinh Tơr, Phó chủ tịch HĐND tỉnh và tỉnh Kon Tum có ông U Huấn, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy tham gia ứng cử.

Riêng An Giang không có lãnh đạo chủ chốt ứng cử, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV là bà Võ Thị Ánh Xuân tái ứng cử trong cương vị mới là phó chủ tịch nước.

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, hầu hết các tỉnh đều có lãnh đạo chủ chốt như bí thư, phó bí thư tỉnh ủy hay chủ tịch UBND tỉnh tham gia Quốc hội. Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương không có các ứng viên thuộc các vị trí chủ chốt nêu trên.

Các ứng viên của ngành kế hoạch và đầu tư

Trong danh sách các ứng viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ứng cử tại khối Chính phủ, cùng 14 thành viên Chính phủ khác. Ông được phân bổ ứng cử tại tỉnh Quảng Trị, nơi ông ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, tại Đơn vị bầu cử số 1, gồm các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông, Hướng Hóa và huyện đảo Cồn Cỏ.

Ở đơn vị này, số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 người, số người ứng cử là 5 người. Cùng tranh cử với Bộ trưởng còn có các ứng viên Hồ Thị Minh (Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị); Trần Thị Như Quỳnh (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng ban Phong trào thanh niên, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh); Hoàng Đức Thắng (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội) và Hồ Thúy Vinh (Phó chánh văn phòng Huyện ủy Hướng Hóa).

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, từ ngày 5/5, các ứng viên sẽ bắt đầu tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

Là người trong ngành kế hoạch và đầu tư, nhưng lại được giới thiệu ứng cử tại khối Quốc hội là ông Phan Đức Hiếu, sinh năm 1974, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Điều này đồng nghĩa với việc, nếu trúng cử, ông Hiếu sẽ trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Ông Hiếu ứng cử tại Thái Bình, Đơn vị bầu cử số 2, gồm các huyện Đông Hưng và Thái Thụy. Số đại biểu Quốc hội được bầu 3 người, số người ứng cử là 5.

Ứng viên thứ ba của ngành kế hoạch và đầu tư (cũng ứng cử tại khối Quốc hội) là ông Đinh Ngọc Minh, sinh năm 1967, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Minh ứng cử tại Cà Mau, Đơn vị bầu cử số 3, gồm các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển, 4 ứng viên bầu 2 đại biểu.

Ở địa phương, ông Trần Tuấn Anh, sinh năm 1974, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 5, gồm các quận Tân Bình và Tân Phú, với 5 ứng viên để bầu 3 đại biểu.

Trẻ nhất trong các ứng viên ngành kế hoạch và đầu tư là Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, bà Phạm Thị Ngọc Đào, sinh năm 1980. Bà Đào ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 3, gồm TP. Sa Đéc và các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, với 5 ứng viên để bầu 3 đại biểu.

Ngoài ra, còn một số ứng viên từng là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giới thiệu ứng cử lần này là Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng.

Vận động bầu cử trực tuyến để chống dịch

Theo kế hoạch ban đầu của tỉnh Hà Nam, mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh này sẽ tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử tại 10 hội nghị. Trong đó, 9 hội nghị tại đơn vị bầu cử (mỗi huyện, thành phố, thị xã 3 hội nghị) và 1 hội nghị với cử tri khối các cơ quan của tỉnh và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Thời gian bắt đầu từ sáng ngày 4/5 đến hết ngày 10/5/2021.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi và được sự thống nhất của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và thống nhất với UBND tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quyết định thay đổi hình thức tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và chỉ tiến hành trong một ngày.

Theo đó, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tham dự và trình bày chương trình hành động tại điểm cầu UBND tỉnh. Đại biểu của cấp huyện dự tại điểm cầu ở trụ sở UBND cấp huyện và đại biểu của cấp xã dự tại điểm cầu ở trụ sở và UBND cấp xã theo đơn vị bầu cử.

Hà Nam là nơi có bệnh nhân Covid-19 được phát hiện đầu tiên trong đợt dịch này. Đến sáng 3/5, Hà Nam có 14 người nhiễm Covid-19 ở các xã Đạo Lý, Bắc Lý, Chân Lý (đều thuộc huyện Lý Nhân). UBND tỉnh Hà Nam đã quyết thực hiện cách ly xã hội đối với xã Đạo Lý và giãn cách xã hội đối với 2 xã Bắc Lý, Chân Lý.

Tin bài liên quan