Theo đó, vị trí dẫn đầu trong Top 10 của doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp đó là ông lớn Samsung Electronics Thái Nguyên, vị trí thứ 3 và thứ 4 thuộc về Tập đoàn Viettel, Vietcombank...
Ở Bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, dẫn đầu bảng xếp hạng doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất là Tập đoàn VinGroup, Vinamilk đứng vị trí thứ 2 và lần lượt tiếp theo là Techcombank, Tập đoàn Hoà Phát… Hãng hàng không tư nhân Vietjet đứng vị trí cuối bảng xếp hạng Top 10.
4 ngân hàng chiếm giữ top 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất
Trong bảng xếp hạng Profit500 năm nay, dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp vẫn thuộc về các ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành Thực phẩm Đồ uống (11%), ngành Tài chính (10,8%), ngành Điện (8,6%) chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại
Theo đánh giá của Vietnam Report, trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trở lại, trong bối cảnh đó tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, khả năng sinh lời tăng, năng lực cạnh tranh có nhiều cải thiện. Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước và giữa các ngành.
Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, có thể thấy, nhìn chung ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 khoảng 11,9% có xu hướng tăng nhẹ từ mức 11% trong Bảng xếp hạng năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp Profit500 đang được cải thiện trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, chỉ số ROE bình quân của các doanh nghiệp Profit năm nay cũng tăng lên 20,9% (so với mức 19% năm 2018), cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit500 có chiều hướng tốt hơn (cao hơn mức chuẩn so với chuẩn quốc tế - thông thường doanh nghiệp có ROE ≥ 15% được đánh giá là doanh nghiệp tốt).
Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit 2019 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp FDI trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019 có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 17% so với mức 11,5% và 12,7% tương ứng của khối nhà nước và ngoài nhà nước.
Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng vượt trội, với ROE của khối này là 26,4% so với mức 17,6% của khối doanh nghiệp nhà nước. Sự chênh lệch nhiều về khả năng sinh lời cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù có cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp và nếu không cải thiện sẽ bị tụt hậu so với các doanh nghiệp FDI năng động và hiệu quả.
Xét theo ngành, những ngành có ROA cao nhất so với mức bình quân chung là các ngành Viễn Thông – Công nghệ Thông tin; Dược phẩm – Y tế; Thực phẩm – Đồ uống; Vận tải…
Những ngành có ROE cao nhất so với mức bình quân chung trong Bảng xếp hạng Profit 2019 là các ngành Viễn Thông – Công nghệ Thông tin; Cơ khí; Dệt may – Da Giày; Xây dựng – Bất động sản; Thực phẩm – Đồ uống…
Đây cũng là những ngành nằm trong top có ROA và ROE cao trong Bảng xếp hạng năm 2018, cho thấy xu hướng độc lập, tự chủ về tài chính trong những ngành này đã mang lại kết quả khá tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.