S&P/TSX Composite có những biến động tương đồng với MSCI các thị trường mới nổi (đơn vị: CAD) trong 10 năm qua

S&P/TSX Composite có những biến động tương đồng với MSCI các thị trường mới nổi (đơn vị: CAD) trong 10 năm qua

4 lý do nên đầu tư vào TTCK Canada

(ĐTCK) Canada, quốc gia giàu có, hòa bình nằm ở phía Bắc nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như ít được chú ý tới trong các cuộc thảo luận về kinh tế toàn cầu cũng như trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên, trái ngược với sự hờ hững này, thị trường Canada có những ưu thế vượt trội .

Canada thường là quốc gia tiên phong đối với các xu hướng lớn trên toàn cầu và thu về những thành quả đáng ngưỡng mộ. Dưới đây là 4 lý do các nhà đầu tư nên chú ý tới TTCK Canada.

Phong vũ biểu của kinh tế toàn cầu

Các hoạt động của nền kinh tế Canada và TTCK nước này được coi là phong vũ biểu cho nền kinh tế toàn cầu. Theo ghi nhận của một số chuyên gia, chỉ số S&P/TSX Composite của Canada có khuynh hướng vượt trội hơn cả chỉ số S&P 500, vốn được coi là thước đo tốt nhất của TTCK Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu.

Trong vòng hơn 10 năm qua, chi số S&P/TSX Composite cũng có những biến động tương đồng với chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (theo đồng đôla Canada).

Cổ phiếu của các công ty Canada có sự tăng trưởng tương đương với cổ phiếu tại các thị trường mới nổi khác, tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ không phải lo lắng về việc thay đổi chính trị hay điều chỉnh các quy tắc đột ngột như những thị trường khác. 

Thung lũng Silicon ở phía Bắc

Sự phá sản của Nortel hay việc BlackBerry sa sút trong quá khứ đã để lại những ấn tượng khó xóa đi trong suy nghĩ của mọi người, che mờ đi thành công của nhiều công ty công nghệ khác tại Canada.

Chẳng hạn, nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ Open Text Corporation có doanh thu sau khi được điều chỉnh tăng mạnh lên 1,6 tỷ USD trong năm 2014, so với chỉ 152,5 triệu USD năm 2002, trở thành công ty công nghệ thông tin lớn thứ 3 tại Canada tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Bên cạnh đó, Shopify, công ty đang phát triển hệ cơ sở thương mại điện tử rộng lớn, vừa tiến hành niêm yết trên sàn New York Stock Exchange tuần trước.

Sam Altman, CEO của Y Combinator trong một cuộc phóng vấn với New York Times cho biết, ông đặc biệt chú ý tới chất lượng của nền tảng công nghệ tại Canada và việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty công nghệ này là điều khá đúng đắn. 

Một ngân hàng trung ương tiến bộ

Mặc dù không nhận được sự chú ý xứng đáng từ thế giới, Ngân hàng trung ương Canada (Bank of Canada) là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cải tiến chính sách tiền tệ kể từ đầu những năm 1990.

Trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế, kể từ tháng 4/2009, Thống đốc Mark Carney của BoC là người đầu tiên sử dụng lịch trình tiến độ, chỉ rõ rằng chính sách lãi suất sẽ duy trì ở mức 0,25% qua hết quý II/2010, giúp hạ bớt lãi suất trái phiếu Cananda trên thị trường.

Năm 2014, kết quả xếp hạng về khả năng cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy, hệ thống ngân hàng Canada duy trì vị trí số 1 trên thế giới về sự vững mạnh và ổn định. Đây là năm thứ 7 liên tiếp hệ thống ngân hàng Canada chiếm giữ vị trí này.

Mới đây, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã xác nhận xếp hạng tín dụng AAA đối với Canada, cho thấy triển vọng kinh tế ổn định của quốc gia Bắc Mỹ này trong giai đoạn 2015 - 2016. 

Sức mạnh từ các nguồn năng lượng

Sự sụp đổ của giá dầu gần đây là thử thách mới nhất đe dọa tới tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Canada. Peter Tertzakian, CEO chi nhánh Calgary của ARC Financial Corp cho biết, có tới 24 dự án dầu mỏ lớn tại Canada bị trì hoãn hoặc xóa sổ từ giữa năm 2014. Giữa bối cảnh này, các công ty và nhà đầu tư tại Canada đã đẩy mạnh việc đầu tư vào các dự án nhỏ hơn, với lợi nhuận dễ nhìn thấy và thời kỳ thu lợi ngắn hơn.

Với việc giá dầu dần phục hồi trở lại thời gian gần đây, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển này đang dần trút bớt đi được gánh nặng và tiếp tục khai thác thế mạnh này của mình.

Bên cạnh dầu mỏ, Canada còn có một tài nguyên quý giá không kém: nước sạch. Việc thiếu nguồn nước đang trở thành một vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ở California (khu vực có dân số tương đương Canada). Tình trạng thiếu hụt nước tại California ngày càng trầm trọng khiến chính quyền bang này phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh tay để tiết kiệm và mua thêm nước phục vụ cuộc sống.

Canada, sở hữu khoảng 20% lượng nước sạch trên toàn cầu, sẽ có một lợi thế đặc biệt trong việc cung cấp nguồn tài nguyên này cho California cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Tin bài liên quan